Nhớ mùa thu đã xa

 

Bìa do tác giả Phạm Ngọc Hiền vẽ

 

Bài giới thiệu của Huỳnh Văn Quốc trên báo Phú Yên số 24/5/2003

.

LƯỢM LẶT TỨ THƠ GIỮA RỪNG THU BÀNG BẠC

(Đọc tập thơ Nhớ mùa thu đã xa của Phạm Ngọc Hiền -
NXB Văn hóa thông tin, H. 2003)

      Làm thơ, ai cũng muốn cho tác phẩm của mình tạo được sức sống trong lòng bạn đọc. Để làm được điều đấy, nhiều nhà thơ chủ trương "Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần" (Ngô Thời Nhậm). Với hy vọng những gì xuất phát từ đáy sâu con tim mình sẽ có sức lay động con tim người khác. Lại có người chuyên gia công gọt dũa ngôn từ để tạo ra những hình ảnh mới lạ, hấp dẫn. Trong khi những người khác lại chú tâm tìm tòi những ý tưởng mới, có tính triết lý cao và diễn đạt chúng theo lối hình tượng của văn chương. Tôi tạm gọi đó là cái tứ. Nó rất quan trọng vì nói như Lưu Hiệp: có nắm bắt được cách cấu tứ thì mới quyết định được sự thành công.

     Tập thơ Nhớ mùa thu đã xa của Phạm Ngọc Hiền đều ít nhiều có mặt cả ba phương thức trên nhưng tôi chú ý nhiều hơn đến những bài thơ có tứ. Phần lớn những bài thơ này đều rơi vào mảng thế sự. Chẳng hạn, bài Tâm sự với cố đô có đoạn:

Lịch sử cha ông chất chồng bao bi kịch
Dẫu có lúc êm đềm như mặt nước Hương Giang
Nếu yêu nước, xin ai đừng vốc nước    
Làm kinh thành xô động bóng nghìn năm

     Ta bắt gặp linh hồn của dân tộc qua từ "nước", vì tổ tiên ta đã lấy nước để chỉ quốc gia dân tộc. Mặt nước Hương Giang êm đềm chỉ vẻ đẹp bình yên của đất nước. Tác giả khuyên mọi người đừng "vốc nước" để không làm "xô động bóng nghìn năm" của đất nước đang soi mình dưới dòng sông lịch sử. Từ một sự việc bình thường mà khái quát lên thành một triết lý, đó là cái tứ. Xin hãy nghiền ngẫm tiếp bài Nghe tiếng dế kêu:

                        Đang đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai
                        Chợt nghe tiếng dế kêu trong dinh Độc Lập
                        Một nhúm cỏ xanh đâu phải là đồng nội
                        Dế từ đâu, sao lạc tới chốn này ?

     Con dế là hiện thân cho đồng quê dân dã nhưng sao lại cất tiếng gáy trong một dinh thự cao sang giữa chốn đô thành ? Nơi đường phố Sài Gòn xe cộ ồn ào huyên háo, nếu không có đôi tai nghệ sĩ, sẽ không nghe được tiếng đàn dế. Có lẽ chú dế lạc loài kia đã tìm được người đồng hương của mình là một chàng trai quê mùa sống giữa thị thành mà trong lòng luôn khắc khoải nhớ quê. Trong thơ Phạm Ngọc Hiền, ta thường gặp có một không gian quê mùa nằm giữa lòng không gian phố thị. Trong bài Giữa lòng thị xã, tác giả viết về sự tồn tại của cái xóm Chiếu rất dân dã giữa lòng thị xã Tuy Hòa:

                       Nằm giữa lòng phố xá đông vui
                       Một đồng quê hiện lên trong tĩnh mịch
                       Sông Dinh ngày nào chỉ còn trong cổ tích
                       Bao đêm thầm rung lại nhịp hò khoan

     Cái tứ cũng nằm trong những yếu tố tưởng chừng như nghịch lý, hai sự việc đối lập nhau lại sắp đặt bên cạnh nhau gây sự bất ngờ cho bạn đọc. Bài Đội quân công lý tả một "vĩ nhân" lãnh đạo đội quân đi thực hiện công lý, đi đến đâu "thảo nguyên mịt mù cát bụi", "tất cả quân thù run sợ"... Vĩ nhân đó đang uy nghi, lồng lộng "nhân danh đấng cứu thế" kêu gọi mọi người phải biết sống vì nhau thì bất ngờ, tác giả kết thúc bài thơ bằng hình ảnh rất đời thường:

                       Lệnh truyền của vĩ nhân lan khắp nơi nơi
                       Dưới lũy tre xanh man mác cảnh yên bình
                       Có bà mẹ nghe xong bồi hồi quay lại bảo:
                       Các con ơi, đó chính là bạn trai của mẹ ngày xưa !

     Hóa ra, "siêu nhân" đó cũng chỉ là người xuất thân bình thường dân dã nhưng biết phấn đấu vì việc lớn. Bài thơ thể hiện một khát vọng vươn lên cống hiến cho đời. Thậm chí, đến khi từ giã cõi đời này để về Thế giới bên kia, tác giả vẫn khao khát: "Ước gì khi trở về với thế giới bên kia / Ta lại tiếp tục cuộc hành trình dang dở / Để nhiều lúc có cái tự hào với bạn bè bên ấy / Rằng ta đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa giữa trần gian". Mơ được sống một kiếp khác để tiếp tục tự hào về kiếp này, đó cũng là một ý tưởng lạ.

     Trong lòng mỗi thi nhân đều có hoài vọng hình bóng Nàng Thơ. Phạm Ngọc Hiền chỉ xem mình là người yêu Nàng đơn phương: "Nhưng tôi tầm thường, Nàng thì cao thượng / Nên yêu hoài mà chẳng biết làm sao". Nhưng may mắn thay, Nàng Thơ đã đến với thi sĩ trong một đêm mưa gió "ghê rợn":

Đang sợ, mơ màng bỗng nhiên Nàng đến
Cúi hôn tôi rồi đằm thắm nhìn tôi
Nàng hỏi tôi có ước muốn những gì
Rồi Nàng sẽ ban cho tôi đều tôi ước
Tôi chỉ nói một điều mà tôi muốn    
Nàng nghe xong, lặng lẽ bỏ tôi đi
...

     Chàng thi nhân đa tình đã nói điều gì mà Nàng Thơ đã bỏ anh đi như vậy ? Tác giả không nói, để người đọc tự hiểu, hiểu bao nhiêu nghĩa cũng được. Trong bài Gặp lại người xưa, ta cũng bắt gặp một tâm trạng khó hiểu của người thiếu phụ:

Năm năm trôi qua
Tôi gặp em bên cửa sổ nhà chồng
Em ngồi đó
Gió bay làn tóc rối
Phất phơ giữa trời chiều
Một chút buồn đìu hiu 
Phủ dài trên dáng liễu  
Em nghĩ gì ai hiểu        
Mà mắt buồn hiu hiu...

     Bảy âm "iu" khép lại bài thơ gợi nỗi buồn mông lung khó hiểu. Cái tứ thơ, đôi lúc cũng cần khó hiểu mới hay.

     Tạo nên cái tứ cho thơ cũng có nghĩa là sáng tạo ra cách diễn đạt mới mẻ. Trong tập Nhớ mùa thu đã xa, ta bắt gặp khá nhiều câu có cách diễn đạt sáng tạo như "mùa thu mong manh", "ngổn ngang gương mặt xa hoa", "Qua giông bão, đất trời tươi sắc cưới (...) Dẫu cánh thơ bay khắp trời Âu, Á / Một mảnh hồn Tây Bắc vẫn gùi theo". Hoặc:

Có gì đâu một buổi sớm đến trường
Bỗng chạm cái nhìn cô bé bên kia lớp
Cơn gió nào nói hộ điều chưa nói 
Nắng vô tư rải thảm xuống sân trường

                                                      (Nhớ mùa thu đã xa)

Em đi về miền xa
Lá vàng ngơ ngác rụng  
Ngỡ với tay là đụng         
Mây trời lang thang trôi        
(...) Em đi buồn cho ai        
Trên đồi cây xao xác       
Kìa con nai ngơ ngác      
Đăm đắm nhìn chiều trôi

                                                      (Em đi về chiều nay)

Em ra đi
Kéo mùa thu đi hết
Chỉ duy còn để lại   
Đám lá vàng cho tôi

                                                      (Thu giã từ)

      Thơ Phạm Ngọc Hiền có rất nhiều bài viết về mùa thu và nhìn chung mang âm hưởng buồn. Phần lớn những bài thơ này được tác giả sáng tác thời còn sinh viên ở Quy Nhơn trong khoảng thời gian 1990 - 1994, một giai đoạn có nhiều biến động, nhiều thay đổi lớn chắc hẳn có tác động đến con tim nhạy cảm của các chàng sinh viên trẻ. Đặc biệt, đất Quy Nhơn trước 1945 từng là một trong những cái nôi của phong trào Thơ Mới. Những chàng thi nhân thời ấy đang tuổi thư sinh, cũng buồn bã u hoài. Chắc có lẽ dư âm của nó vẫn còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau này.

     Trong tập Nhớ mùa thu đã xa, ta bắt gặp nhiều nỗi sầu đã đến độ chín mùi:

Em có nghe mùa thu từ cõi nhớ
Của hồn anh rạo rực tỏa tìm em
Giữa xào xạc của muôn vàn trăng vỡ
Em đi rồi... trời đất hóa vào thu

(...) Sao nỡ bỏ mùa thu vàng như thế
Chín yêu thương, ngọt lịm đáy tâm hồn

                                                       (Thu lạnh)

Tôi đành về rừng khuya
Nghe giọt suối lăn dài trên núi đá 
Thút thít bốn bề chim gọi bầy mệt lả 
Rợn tiếng từ quy lay lá ngàn tơi tả 
Một tiếng thở dài tao tác cả ngàn sâu...

                                                      (Gió ra đi)

Khuyên em, em cứ lặng lời
Mà mưa cứ thế rối bời cõi xưa 
Hư không một tiếng chuông chùa
Bâng khuâng lạc giữa mấy mùa thương đau

                                                   (Thương người ở lại)

      Tôi không dám nói rằng, tập Nhớ mùa thu đã xa bài nào cũng hay nhưng chỉ cần có vài câu, vài bài "đọc được" là xem như tác giả đã có đóng góp cho vườn thơ rồi. Trên đây chỉ là một vài bông hoa nhỏ nhặt vội giữa rừng thu xào xạc. Có thể bạn đọc khác sẽ quan tâm nhặt những bông hoa khác tùy theo sở thích của mình. Nhưng đối với tôi, giữa rừng thu, những chiếc lá vàng là những chiếc lá đẹp nhất.

CAO VĨ NHÁNH


Thứ Ba ngày 09 tháng 02 năm 2010 - 22 giờ 04 phút          

Gửi bình luận