Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975

Sách in lần 3 (năm 2018)

Xem các hình ảnh khác của sách: http://phamngochien.com/chuyen-luan-tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975-duoc-in-lan-thu-ba

Các hiệu sách có bán: http://phamngochien.com/cac-cua-hang-co-ban-sach-tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975

Đặt mua sách trên mạng:

Mua sách trên tiki.vn: https://tiki.vn/tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975-p3042895.html?src=recently-viewed

NXB Tổng hợp TP.HCM: https://nxbhcm.com.vn/2/tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975-3662

Nhà sách Phương Nam: http://nhasachphuongnam.com/tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975-p105360.html

Nhà sách Khai Tâm: https://www.sachkhaitam.com/van-hoc-viet-nam/tieu-thuyet-va-truyen-dai/tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975

Hiệu sách Fahasa: https://www.fahasa.com/tieu-thuyet-viet-nam-1945-1975.html

Xem sách điện tử ở đường line sau: https://sachweb.com/van-hoa-xa-hoi/sach-tieu-thuyet-viet-nam-19451975-dt2768.html

(hướng dẫn tại đây)

Sách được giới thiệu trên Youtube ở địa chỉ sau:

https://youtu.be/SfcKQREX8CQ

 

Sách in lần 2 (năm 2012):

 Sách in lần 1 (năm 2010): 

 TIỂU THUYẾT VIỆT NAM 1945 - 1975

(Tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc)

(chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền - NXB Văn học, 2010)

 

Xem sách Ebook ở địa chỉ: Sachweb.com (mục văn học Việt Nam) (hướng dẫn tại đây)

Đọc sách Ebook miễn phí tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM

 

MỤC LỤC

 Chương I: NHỮNG CƠ SỞ CỦA SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN 

I.   Yếu tố truyền thống

II.  Yếu tố ngoại nhập

III. Hiện thực chiến tranh và đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam

IV. Ý thức viết tiểu thuyết của các nhà văn

Chương II: TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1954

I.   Bối cảnh văn hóa nghệ thuật

II.  Tình hình sáng tác truyện

Chương III: TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 - 1964

I.   Hoàn cảnh lịch sử và tình hình văn học

II.  Những thành tựu cơ bản

  -  Sự đa dạng về đề tài

  -  Sự dung hợp nhiều sắc màu thẩm mỹ và cảm hứng tư tưởng

  -  Sự hình thành loại nhân vật anh hùng đa diện

  -  Sự xuất hiện thể loại tiểu thuyết sử thi

Chương IV: TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1965 - 1975

I.   Hoàn cảnh lịch sử và tình hình văn học

II.  Tiểu thuyết cách mạng miền Nam

III. Tiểu thuyết miền Bắc

Chương V: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM 1945 - 1975

I.   Nội dung thể tài

II.  Nhân vật

  -  Hệ thống nhân vật

  -  Quan niệm về người anh hùng lý tưởng

  -  Nghệ thuật xây dựng nhân vật

III. Kết cấu

   - Kết cấu cốt truyện

  -  Kết cấu điểm nhìn

  -  Kết cấu trần thuật

IV. Ngôn ngữ

  -  Ngôn ngữ tác giả và nhân vật

  -  Các sắc thái giọng điệu

  -  Hình thức văn bản

Chương VI: ĐÁNH GIÁ TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM 1945 - 1975

I.  Hạn chế

II. Thành công

Phụ lục: GIỚI THIỆU CÁC TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM 1945 - 1975

I.   Một số vấn đề về việc sưu tầm, tóm tắt tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975

II.  Tóm tắt tác phẩm (xếp theo năm công bố)

III. Danh mục tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 (xếp theo vần tên tác giả)

VI. Danh mục tiểu thuyết - truyện vừa - truyện ký cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 (xếp theo vần tên tác phẩm)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Các bài giới thiệu sách:

Bài giới thiệu của Bùi Việt Thắng trên báo Văn nghệ, số 20/11/2010 và được in lại trong sách Thi pháp tiểu thuyết hiện đại (Bùi Việt Thắng), NXB Thanh Niên 2019

 

MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU MỚI VỀ TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM 1945 - 1975

    Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 (Tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc) - Nxb Văn học, 2010 - của tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền đi sâu nghiên cứu sự phát triển của tiểu thuyết, một thể loại được coi là rất quan trọng của nền văn học hiện đại Việt Nam thế kỉ XX. Tiểu thuyết vẫn được coi như là mảnh đất lưu giữ hình ảnh lịch sử của một dân tộc. Tiểu thuyết Việt Nam viết bằng Quốc ngữ dù sao vẫn còn là non trẻ trong độ dài khoảng 100 năm so với  tiểu thuyết trong các nền văn học khác như Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc có lịch sử nhiều thế kỉ... Tự biết là lực bất tòng tâm trước những khó khăn chưa thể vượt qua, cả phía khách quan lẫn chủ quan, khi nghiên cứu thể loại tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, nên tác giả chuyên luận đã giới hạn phạm vi khảo sát trên cơ sở cứ liệu "Tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc" (vì khái niệm tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 là rất rộng lớn, bao gồm cả bộ phận tiểu thuyết vùng tạm chiếm ở cả nước trong giai đoạn 1946 - 1954 và ở miền Nam trong thời kì 1954 - 1975). Đó là thái độ khôn ngoan của một người biết mình biết ta. Nhưng dẫu như thế, theo tôi, người nghiên cứu cũng đã phải bao công phu đèn sách, cũng lao tâm khổ tứ trong nhiều năm, phải đọc một khối lượng tác phẩm không thể nói là ít (theo thống kê của chính tác giả chuyên luận thì tất cả là 165 cuốn tiểu thuyết). Và điều đáng nói hơn nữa, đây chính là Luận án Tiến sĩ của tác giả, đã được chỉnh sửa và nâng cao trước lúc in thành sách dưới dạng một chuyên luận (như chúng ta biết, vì rất nhiều lí do, không phải luận án tiến sĩ nào cũng có thể in ra thành sách được!).

     Một cái nhìn toàn cảnh về tiểu thuyết cách mạng Việt Nam (xuất bản ở miền Bắc) là ưu điểm nổi bật của chuyên luận, thể hiện trong chương II "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954"; chương III "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964" và chương IV "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975". Trong 3 chương này tác giả chuyên luận đã rất công phu và nghiêm túc khi xử lí một khối lượng tư liệu không hề ít (phải đọc không theo tư cách người thưởng thức mà đọc theo tư cách người nghiên cứu 165 cuốn tiểu thuyết). Các phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp được tác giả kết hợp khá nhuần nhuyễn trong thao tác nghiên cứu. Công phu của nhà nghiên cứu là ở chỗ đã dựng lại diện mạo nền tiểu thuyết cách mạng Việt Nam trong độ dài thời gian 30 năm, của thời kì lịch sử cách mạng và chiến tranh (từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên sau năm 1945 có tư tưởng cách mạng rõ nét nhất là Cô gái Bình Xuyên, 1946, của Hồ DZếnh, đến tiểu thuyết Rừng động, 1975, của Mạc Phi).

     Tuy nhiên việc tái hiện lịch sử một thể loại trong một giai đoạn nào đó không phải là nhiệm vụ quá khó khăn đối với bất kì nhà nghiên cứu nào, nếu người ấy có ít nhiều kinh nghiệm và quan trọng hơn là sự công phu và kiên nhẫn. Đóng góp của tác giả chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 (Tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc) có thể nói chủ yếu thể hiện ở chương V "Những đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975" và chương VI "Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975". Lập trường khoa học, phương pháp khoa học của người nghiên cứu khúc xạ rõ nhất ở đây. Nói cách khác sở trường, sở đoản của người nghiên cứu thể hiện rõ ràng nhất cũng chính ở đây. Chương V với hơn 90 trang (chiếm một phần tư độ dài của cả chuyên luận), có thể hình dung là nơi tác giả dồn nhiều tâm huyết khi viết công trình này. Rất khách quan khi tác giả cùng lúc đề xuất ba hướng tiếp cận tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975: xã hội học, loại hình sử thi và thi pháp học thể loại. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận đối tượng vốn không hề đơn giản (như cách diễn đạt của M. Bakhtin "Tiểu thuyết là một sinh ngữ trẻ") từ một hướng duy nhất thì người nghiên cứu sẽ gặp phải những khó khăn không dễ gì vượt qua. Bởi vậy theo tác giả chuyên luận thì "Phương pháp tối ưu nhất vẫn là kết hợp cả ba cách trên trong quá trình nghiên cứu đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam". Trong chương trọng điểm này tác giả đã phân tích những đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975: nội dung thể tài, nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ. Sự phân tích kĩ lưỡng các đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt nam 1945 - 1975 chứng tỏ tác giả chuyên luận là người kết hợp được cả hai phẩm tính - tư duy lí luận và cảm thụ tác phẩm. Là người làm cùng nghề nên khi được tặng và đọc chuyên luận tôi nhận thấy rõ điều ấy và thực sự khâm phục tinh thần xả thân vì khoa học của tác giả Phạm Ngọc Hiền.

     Chương VI "Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975" (21 trang), theo tôi, đã thể hiện vừa là trình độ, vừa là bản lĩnh của tác giả chuyên luận. Ở đây thực sự đòi hỏi một tinh thần khoa học, một thái độ công bằng và khách quan, tuy nhiên vẫn có những thể tất nhất định. Thường khi làm công việc đánh giá, nhất là đánh giá một giai đoạn văn học quá khứ, người ta thường nêu lên trước những ưu điểm rồi sau đó mới nêu nhược điểm. Nhưng trong trường hợp này tác giả chuyên luận đã thao tác ngược lại - nêu hạn chế trước, thành công sau. Theo tôi, khi nêu hạn chế của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, tác giả đã truy tìm được những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan và lí giải theo quan điểm lịch sử - cụ thể: "Trước hết cần nhận thấy rằng văn học thời kì này khởi đầu cho một khuynh hướng văn học mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Bởi vậy, các nhà văn  phải chấp nhận "vạn sự khởi đầu nan", mò mẫm tìm hiểu phương pháp sáng tác mới để thích hợp với thời đại cách mạng vô sản. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, tiểu thuyết không phát triển vì nhà văn còn đang "nhận đường". Sau năm 1954, các nhà văn vẫn phải vất vả "nhận đường" lần thứ hai và nhiều người phải trả giá cho những bước sai lầm do "nắm đường lối chưa vững" (...). Nhưng từ năm 1965, chiến tranh lan rộng cả hai miền, các nhà văn phải viết vội vàng để phục vụ kịp thời các mục tiêu chính trị trước mắt nên trên văn đàn chỉ thuần một giọng anh hùng ca". Tôi nghĩ, cách giải thích như thế là thấu tình đạt lí, là có sức thuyết phục người đọc. Những thành công của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, được tác giả chuyên luận đánh giá qua việc thực hiện ba chức năng của văn học (nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ). Các tiêu chuẩn đánh giá thành công của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, theo cách đề xuất của tác giả, công bằng mà nói không có gì là mới mẻ hoàn toàn. Nhưng theo tôi, cách kiến giải khoa học theo hướng đó được coi như là một thái độ ứng xử văn hóa "Trong đời sống văn học xưa nay, việc có nhiều ý kiến trái ngược nhau về một tác giả, tác phẩm là chuyện bình thường. Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Để đánh giá chính xác, cần đặt nó vào một hoàn cảnh lịch sử nhất định để có thể thấy được những nguyên nhân dẫn đến hạn chế và những nỗ lực vươn lên của các nhà văn (...). Dễ nhận thấy rằng, độ lùi tiếp nhận càng xa thì tính khách quan càng cao, những thiên kiến xã hội sẽ giảm bớt, quá khứ sẽ được đề cao".

     Ngoài 6 chương thuộc nội dung nghiên cứu, chuyên luận còn có phần phụ lục "Giới thiệu các tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975" (giới thiệu ngắn gọn nhưng toát yếu được nội dung 165 cuốn tiểu thuyết cách mạng Việt Nam, từ Xung kích - 1951 - của Nguyễn Đình Thi đến Rừng động - 1975 - của Mạc Phi). Đây là phần tài liệu tham khảo rất thú vị và bổ ích cho giới nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại (từ sau năm 1945).

     Trong quá khứ gần, một số người đã từng có ý đồ phủ nhận sạch trơn thành tựu của nền văn học cách mạng nói chung, tiểu thuyết cách mạng nói riêng (họ hạ bệ đối tượng bằng cách gán cho nó là văn học phải đạo, văn học quan phương, văn học chính trị, văn học minh họa...). Nhưng như bất cứ sự vật nào, tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 cũng có hai mặt của nó - mặt trái và mặt phải, mặt được và chưa được, mặt đáng tiếp thu và mặt cần thiết phải vượt qua. Đó là cách nhìn biện chứng đối với di sản văn học quá khứ. Chuyên luận của tác giả Phạm Ngọc Hiền đã góp thêm một tiếng nói khoa học, khách quan công bằng và quan trọng nhất là bình tĩnh khi nhìn nhận lại các giá trị của quá khứ. Dĩ nhiên là không tránh khỏi một vài thiếu sót trong quá trình nghiên cứu một đối tượng quá lớn so với sức lực của một cá nhân. Công trình này thực ra đòi hỏi một sự cộng tác và hợp tác nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và phải có thời gian cũng như sự đầu tư công sức. Có thể nói, tác giả Phạm Ngọc Hiền đã dũng cảm nhận lấy sứ mệnh cao cả nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao khi nghiên cứu tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Là một đồng nghiệp, tôi thực sự kính phục trước hết là nhiệt huyết, sau nữa là công sức và cuối cùng là hướng đi đúng của việc nghiên cứu một đối tượng mà qua đó chúng ta có thể hình dung được những vấn đề quan thiết của nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Tôi nghĩ rằng, với công trình này tác giả Phạm Ngọc Hiền thực sự có đóng góp vào việc nghiên cứu tiến trình văn học hiện đại Việt Nam thông qua việc nghiên cứu hệ thống các thể loại văn học. "Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về toàn bộ tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Tác phẩm được viết bằng một văn phong khoa học khách quan, theo tinh thần Đổi mới, khẳng định lại giá trị nghệ thuật của nhiều tiểu thuyết lâu nay ít được nhắc tới hoặc từng bị đánh giá chưa công bằng. Ngoài phần chuyên luận, còn có thêm phần tóm tắt hầu hết các tiểu thuyết giai đoạn này... Điều đó cho thấy tác giả có sự dày công nghiên cứu về lĩnh vực văn xuôi Việt Nam thời chiến tranh...". Nhận định in ở bìa bốn cuốn sách đã nói được ưu điểm cơ bản của chuyên luận công phu và nghiêm túc này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc xa gần công trình khoa học mới của tác giả Phạm Ngọc Hiền về tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975.

Hà Nội, 10 - 2010

 Bùi Việt Thắng

(Giảng viên khoa Ngữ văn,

trường ĐH KHXH & NV Hà Nội)

Bài đã đăng trên:

Báo Văn nghệ (TW) số 20 / 11 / 2010

Văn nghệ Bình Dương, số xuân Tân Mão (1 + 2 / 2011)

Vanchuongviet.org

Nhà văn TP.HCM ...

Bài đăng trên Văn nghệ Bình Dương

 

"TIỂU THUYẾT VIỆT NAM 1945 - 1975", MỘT ĐÓNG GÓP MỚI CHO NGHIÊN CỨU VĂN HỌC

       Sau cuốn tiểu luận phê bình "Những nẻo đường văn chương" đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2007, TS. Phạm Ngọc Hiền tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập sách nghiên cứu "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975" (phần tiểu thuyết cách mạng xuất bản ở miền Bắc). Công trình được tác giả viết lại từ luận án tiến sĩ của mình với thời gian nghiên cứu tổng cộng là 10 năm và vừa được NXB Văn học phát hành năm 2010.

       Đây là công trình có nhiều đóng góp mới bởi vì chưa có cuốn sách nào chuyên nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975. Trước đây có cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Phan Cự Đệ nhưng không phải thuộc lĩnh vực văn học sử mà là lý luận về thể loại tiểu thuyết trong văn học Việt Nam nói chung. Cuốn sách ra đời từ thời chiến tranh (1974, 1975) nên có nhiều điểm khác với bây giờ. Năm 2008, Nguyễn Đức Hạnh (ĐH Thái Nguyên) có ra cuốn Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ 1965 - 1975, nhìn từ góc độ thể loại chỉ khảo sát tiểu thuyết miền Bắc trong vòng 10 năm và tiếp cận nó từ góc độ loại hình. Trong khi đó, cuốn Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975  của Phạm Ngọc Hiền nghiên cứu trọn vẹn tiểu thuyết Việt Nam trong suốt 30 năm chiến tranh và góc độ tiếp cận đa dạng hơn.

       Lâu nay, hầu hết các công trình nghiên cứu văn học cách mạng Việt Nam đều do các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ lớn tuổi ở miền Bắc thực hiện. Phần lớn những công trình này có nhiều nét giống nhau về phương pháp nghiên cứu và quan điểm học thuật vốn đã định hình từ trước Đổi mới. Với sự xuất hiện của cuốn "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975", trong giới khoa học có thêm một gương mặt mới với cái nhìn mới, đa dạng hơn. Tác giả sinh năm 1971 ở Phú Yên, tuy sinh ra trong chiến tranh nhưng về cơ bản là trưởng thành trong thời bình. Như vậy, về thời gian và không gian có độ lùi và khoảng cách nhất định nên tác giả không bị yếu tố "tình cảm" chi phối trong việc đánh giá tác phẩm.

       Cuốn sách được trình bày theo một thứ tự hợp lý. Chương I: "Những cơ sở của sự ra đời và phát triển". Chương II: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954". Chương III: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964". Chương IV: "Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975". Ở chương V: "Những đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975", tác giả trình bày theo lối bổ dọc các vấn đề: nội dung thể tài; nhân vật; kết cấu; ngôn ngữ. Chương cuối cùng, "Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975". Ngoài phần chuyên luận hơn hai trăm trang, cuốn sách còn có phần tóm tắt hầu hết tiểu thuyết cách mạng giai đoạn này. Phần này cũng khá công phu, chiếm dung lượng hơn một phần tư cuốn sách. Ngoài ra, còn có phần Danh mục các tiểu thuyết xếp theo vần tên tác giả, Danh mục các tiểu thuyết - truyện vừa - truyện ký xếp theo vần tên tác phẩm và phần Tài liệu tham khảo. Tác giả đã khảo sát tiểu thuyết cách mạng Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau và hầu như đã bao quát toàn bộ mọi vấn đề về đối tượng nghiên cứu.

      Nếu như trước đây, nhiều công trình nghiên cứu chủ yếu nhìn nhận tiểu thuyết Việt Nam từ phương diện nội dung tư tưởng thì cuốn "Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975" của Phạm Ngọc Hiền đã chú trọng nhiều đến hình thức nghệ thuật. Tác giả đã dành một dung lượng thích đáng để nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết, nhất là ở các mục: Nghệ thuật xây dựng nhân vật, Kết cấu, Ngôn ngữ...Trong mục Hình thức văn bản (trang 195), tác giả còn khảo sát cả nhan đề tác phẩm, đây là việc làm rất hiếm thấy trước đây. Phạm Ngọc Hiền đã tiếp cận tiểu thuyết cách mạng từ nhiều góc độ, trong đó có hai phương pháp đối lập nhau là Xã hội học và Thi pháp học. Tác giả đặt loại hình tiểu thuyết trong bối cảnh nền văn học sử thi Việt Nam 1945 - 1975. Ngoài ra, còn đặt văn học miền Bắc trong cái nhìn tham chiếu với văn học đô thị miền Nam 1955 - 1975. 

       Một trong những đóng góp của cuốn sách là việc thẩm định lại các tiểu thuyết giai đoạn này. Chúng ta thấy cách đánh giá văn chương thời bao cấp và của Phạm Ngọc Hiền có ba mối tương quan như sau: 1. Rất nhiều tác phẩm trước đây được đề cao (về nội dung) nhưng Phạm Ngọc Hiền không đánh giá cao những cuốn này. 2. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu trước đây, Phạm Ngọc Hiền đánh giá cao những tác phẩm như: Cái sân gạch, Sống mãi với thủ đô, Cao điểm cuối cùng, Ở xã Trung Nghĩa, Hòn Đất, Bão biển, Dấu chân người lính, Đất nước đứng lên... 3. Có những tác phẩm trước đây bị phê phán hoặc chưa đánh giá đúng mức giá trị nghệ thuật của nó, nay Phạm Ngọc Hiền khẳng định lại, như: Mười năm, Trước giờ nổ súng, Trên mảnh đất này, Đất lửa, Dưới đám mây màu cánh vạc, Pả Sua, Nhãn đầu mùa... Đặc biệt, tác giả rất đề cao tiểu thuyết Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan (từng bị xem là tai tiếng nhất trong văn học Việt Nam 1945 - 1975). Theo tác giả: "xét về mặt nghệ thuật, có thể xem đây là một trong những đỉnh cao của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" (trang 267). Nhiều tác phẩm từng bị xem là "có vấn đề" nay cũng được tác giả xem xét với tinh thần khách quan khoa học: Vào đời, Mở hầm, Những người thợ mỏ, Phá vây, Mùa hoa dẻ, Người người lớp lớp, Vượt Côn Đảo, Sắp cưới, Thôn Bầu thắc mắc, Những ngày bão táp...

       Cách nhìn nhận về văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Trước Đổi mới, nó được xem là đỉnh cao của văn học dân tộc nhưng những năm đầu sau Đổi mới, một số người đã phủ nhận sạch trơn. Phạm Ngọc Hiền đã tránh được hai xu hướng cực đoan nói trên và có một tư duy mở, không bị "đóng khung" bởi một định kiến nào. Tác giả mạnh dạn chỉ trích những yếu kém của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Mặt khác, cũng không tiếc lời ca ngợi những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tác giả không chỉ khen ngợi một cách trừu tượng mà còn phân tích những chi tiết cụ thể "nói có sách, mách có chứng". Như vậy, Phạm Ngọc Hiền đã dày công đãi cát tìm vàng để góp phần khẳng định những giá trị của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, giúp cho thể loại này có thêm một vẻ đẹp mới, một sức sống mới vượt thời gian.

        Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: "Chuyên luận của tác giả Phạm Ngọc Hiền đã góp thêm một tiếng nói khoa học, khách quan công bằng và quan trọng nhất là bình tĩnh khi nhìn nhận lại các giá trị của quá khứ. Dĩ nhiên là không tránh khỏi một vài thiếu sót trong quá trình nghiên cứu một đối tượng quá lớn so với sức lực của một cá nhân. Công trình này thực ra đòi hỏi một sự cộng tác và hợp tác nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và phải có thời gian cũng như sự đầu tư công sức. Có thể nói, tác giả Phạm Ngọc Hiền đã dũng cảm nhận lấy sứ mệnh cao cả nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao khi nghiên cứu tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975." (Tuần báo Văn nghệ, số 47 ra ngày 20-11-2011). Có thể xem đây là nhận xét thấu tình đạt lý, để vừa chúc mừng thành công của một nhà nghiên cứu trẻ, cũng vừa chia sẻ những khó khăn mà anh phải giải quyết.

HUỲNH VĂN QUỐC

(Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên)

Bài đã đăng báo Phú Yên, số ra ngày 5 / 12 / 2010

Văn nghệ Phú Yên (4 / 2011)

 

VỀ CHUYÊN LUẬN TIỂU THUYẾT VIỆT NAM 1945 - 1975

HÀ TÙNG SƠN

    Tôi thực sự vui mừng khi cầm trên tay cuốn chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 của TS. Phạm Ngọc Hiền, giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Văn Hiến. Trước hết bởi đó là một công trình nghiên cứu, biên khảo nghiêm túc về một thể loại quan trọng của nền văn học hiện đại nước nhà.

    Nói cho công bằng, trước Phạm Ngọc Hiền đã có không ít công trình và bài viết về tiểu thuyết Việt Nam của nhiều nhà phê bình, lý luận văn học trong khoảng thời gian 30 năm đầy biến cố này của đất nước. Trong đó nổi bật nhất là những công trình của GS. Phan Cự Đệ như Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại(1), Tiểu thuyết sử thi trong thế kỷ XX(2), Văn học Việt Nam thế kỷ XX(3) v.v. Tuy nhiên phạm vi đề tài của những công trình này hoặc quá rộng khi phải đảm nhận vai trò là nói về toàn cảnh tiểu thuyết Việt Nam qua mọi thời đại hoặc ngược lại là hẹp hơn khi chỉ dừng ở phạm vi của một bài báo.

    Chuyên luận gồm VI chương:

    Chương I: Những cơ sở của sự ra đời và phát triển

    Chương II: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954

    Chương IV: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964

    Chương V: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975

    Chương VI: Những đặc điểm của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1965 - 1975

    Chương VI: Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975

    Cuối chuyên luận còn có phần Phụ lục giới thiệu các tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975.

    Đó là một bố cục chặt chẽ và hợp lý của chuyên luận dày 370 trang này.

    Đóng góp lớn nhất của Phạm Ngọc Hiền ở chuyên luận là anh đã hệ thống một cách đầy đủ với những đánh giá xác đáng về diện mạo một giai đoạn quan trọng của 30 năm tiểu thuyết Việt Nam, một giai đoạn mà xã hội nước ta đã có quá nhiều biến động với hai cuộc chiến tranh lớn đi qua và được in hằn dấu vết trong văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

    Phương pháp tiếp cận và nghiên cứu của Phạm Ngọc Hiền trong Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 là anh đã biết cách vận dụng và phối hợp  khá nhuần nhuyễn giữa những phương pháp nghiên cứu mới và hiện đại, nhất là những thành tựu của thi pháp học lí thuyết do nhà nghiên cứu lý luận văn học Nga thời Xô viết là M. Bakhtin khởi xướng từ những năm 70 của thế kỉ trước với phương pháp nghiên cứu truyền thống của các nhà lí luận văn học trong nước. Điều đó đã góp phần làm nên sự hoàn hảo của công trình nghiên cứu.

     Ở chương mở đầu, tác giả chuyên luận đã lí giải xác đáng về những cơ sở của sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 với bốn yếu tố: truyền thống, ngoại nhập, hiện thực xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cuối cùng là nhu cầu tự thân của các nhà viết tiểu thuyết. Dù thiếu sự khẳng định nhưng qua cách trình bày của tác giả, người đọc thấy rõ hai yếu tố sau là mang tính quyết định nhất bởi ai cũng biết rằng từ hiện thực sinh động của đời sống xã hội mà hình thành nên đề tài, chất liệu cho sự ra đời của tiểu thuyết, một thể loại dài hơi của văn học. Nó đóng vai trò của chất liệu như là một sự có bột mới gột nên hồ. Tuy nhiên ý thức viết tiểu thuyết của các nhà văn mới là yếu tố mang tính quyết định nhất. Và ở điểm này Phạm Ngọc Hiền đã có lí khi anh dẫn lời nhà nghiên cứu văn học Xô viết danh tiếng N.I. Niculin: "Chúng tôi rất phấn khởi trước những thành tựu của các nhà văn Việt Nam đã nắm vững một thể loại vô cùng phức tạp như tiểu thuyết sử thi. Thể loại này được tạo ra bởi quy mô rộng lớn của những biến động xã hội vốn tiêu biểu đối với lịch sử Việt Nam vào mấy chục năm gần đây."(4)

     So với những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam của các tác giả khác là thường dồn hết sự chú trọng cho nội dung và phương pháp sáng tác, trong chuyên luận của mình, Phạm Ngọc Hiền còn dành sự quan tâm thích đáng đến yếu tố hình thức bên ngoài tác phẩm từ cách đặt nhan đề đến lời giới thiệu cũng như cách trình bày sách như là một trong những đặc điểm phổ biến của các nhà tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975. Điều đó đã đem đến một cái nhìn toàn diện hơn cho chuyên luận này.

     Khi nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975, Phạm Ngọc Hiền có thuận lợi là đã tiếp nhận được nhiều thành tựu và kết quả từ những công trình của những nhà nghiên cứu bậc thầy đi trước. Song đó cũng chính là cái khó cho anh khi lịch sử nghiên cứu của đề tài đã khá dày dặn.  Tuy nhiên tác giả chuyên luận đã biết lùi xa để có một cái nhìn bao quát hơn về vấn đề mà mình theo đuổi. Chẳng hạn ở Chương VI: Đánh giá tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, anh đã nêu rõ chính kiến của mình: "Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh. Trước đổi mới nhìn chung chỉ có ý kiến khen, thậm chí cho là nó đoạt thành tựu cao hơn tiểu thuyết trước 1945 và dĩ nhiên cũng tiến bộ hơn tiểu thuyết ở miền Nam dưới chính quyền quốc gia. Tuy nhiên sau đổi mới, tiêu chí đánh giá có sự thay đổi lớn. Người ta chú ý nhiều hơn đến chất lượng nghệ thuật. Bởi vậy có hiện tượng nhiều tác phẩm văn học bị phê phán trước đây nay được phục hồi giá trị. Còn nhiều tác phẩm được đánh giá cao trước đây thì nay bị rơi vào quên lãng".(5) Đó là một nhận định mạnh dạn và rạch ròi. Tuy nhiên cái mà bạn đọc chuyên luận cũng rất cần biết là nguyên nhân do đâu lại có hiện tượng trái chiều như vậy của giới nghiên cứu văn học thì Phạm Ngọc Hiền lại chưa đề cập đến. Những khiếm khuyết kiểu như vậy của anh còn có ở nhiều chỗ khác của chuyên luận đã làm suy giảm chiều sâu của công trình nghiên cứu.

     Nói như vậy cũng là để đề cập đến những hạn chế của chuyên luận này. Điều rõ nhất là sự thiếu nhất quán trong phạm vi đề tài. Tên của chuyên luận in ở bìa là Tiểu thuyết Việt Nam 1945 - 1975 nhưng thực chất phạm vi của nó lại là tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Điều này được thể hiện rõ và đầy đủ ở nội dung cũng như tên gọi các chương của chuyên luận. Bởi nếu theo như tên ghi ở bìa sách thì vấn đề đặt ra sẽ rất rộng, bao hàm cả tiểu thuyết của dòng văn học theo trường phái của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán trước 1954 và cả tiểu thuyết thuộc nền văn học miền Nam dưới chế độ Sài Gòn cũ.  Bởi vậy cần đặt lại cho đầy đủ tên gọi của chuyên luận: Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1945 - 1975. Trong nghiên cứu khoa học, sự nghiêm cẩn của từ ngữ và tên gọi của khái niệm là một yếu tố không bao giờ thừa. Tuy nhiên ở trường hợp này không thể nói là nhận thức của tác giả chưa tới mà chỉ có thể là do anh muốn rút bớt cho gọn. Và điều này có thể thể tất được.

    Tuy nhiên điều đọng lại sau khi đọc hết chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền vẫn là một diện mạo đầy đủ của tiểu thuyết cách mạng Việt Nam với cách tiếp cận khoa học và mới mẻ, chứa đựng được những gì cần phải có trong phạm vi nghiên cứu của đề tài. Điều đó nói lên khả năng to lớn của tác giả trong khoa nghiên cứu văn học, nhất là khả năng về một phương pháp luận nghiên cứu còn rất nhiều hứa hẹn. Và trên hết, điều không thể phủ nhận là tinh thần say mê nghiên cứu khoa học của tác giả, TS. Phạm Ngọc Hiền.

Ths.  HÀ TÙNG SƠN

(GV Đại học Văn Hiến)

 

(*) Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, chuyên luận của Phạm Ngọc Hiền, NXB văn học, H. 2010

(1)   NXB Đại học và Trung học  chuyên nghiệp, H. 1974

(2)   Tạp chí Nhà văn, số 4, 2003

(3)   NXB Giáo dục, H. 2004

(4)   Sách đã dẫn tr. 29.

(5)   Sách đã dẫn tr. 199      

 

Bài đã đăng trên:

http://www.sachhay.com

Tạp chí Khoa học và đào tạo (ĐH Văn Hiến), số 11 / 2010

 


Thứ Hai ngày 05 tháng 07 năm 2010 - 20 giờ 36 phút          

Gửi bình luận