Một cái nhìn về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (Phạm Ngọc Hiền)

(Đọc Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, tiểu luận - phê bình của Bùi Việt Thắng,

NXB Thanh niên, 2019)

Nhà xuất bản Thanh niên và Nhà sách Thành Nghĩa vừa ra mắt cuốn Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, tập tiểu luận - phê bình của Bùi Việt Thắng. Đây là cuốn sách thứ 10 của tác giả. Tập sách gồm 62 bài của Bùi Việt Thắng và 2 bài của người khác viết về ông. 64 bài này được chia làm ba phần: 1. Cảnh quan và vấn đề của tiểu thuyết đương đại, 2. Tiểu thuyết và những cách đọc khác, 3. Tác phẩm và dư luận.

Xét về nội dung, cuốn sách đề cập đến ba lĩnh vực lớn: lý thuyết văn học, lịch sử văn học và phê bình tác phẩm. Phần lý thuyết văn học có những bài tiêu biểu như: Tiếp nhận lý luận tiểu thuyết của M. Bakhtin ở Việt Nam, Tiếp nhận lý luận tiểu thuyết của Milan Kundera, ứng dụng nghiên cứu tiểu thuyết đương đại Việt Nam, Tương lai của tiểu thuyết, Đổi mới tư duy tiểu thuyết,… Ở phần này, tác giả làm chủ những vấn đề lý luận về thể loại tiểu thuyết trên thế giới cũng như việc ứng dụng vào Việt Nam. Bùi Việt Thắng cũng là một chuyên gia nghiên cứu về tiểu thuyết. Trước đây, ông đã từng công bố các cuốn sách: Bàn về tiểu thuyết (biên soạn, 2000), Tiểu thuyết đương đại (tiểu luận- phê bình, 2009)…

Phần lịch sử văn học, có những bài đáng chú ý như: Về dòng tiểu thuyết “thân xác” trong văn học Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, Chặng đường 30 năm (1986 – 2016), đổi mới tiểu thuyết Việt Nam – những bài học nghệ thuật, Văn xuôi hôm nay: diện mạo – thành tựu – vấn đề… Tác giả có cái nhìn bao quát tình hình phát triển của văn xuôi nói chung cũng như thể loại tiểu thuyết nói riêng từ đầu thế kỷ XX đến nay. Không chỉ nghiên cứu hiện trạng, tác giả còn dự đoán hướng đi của tiểu thuyết. Tác giả đề xuất, trong tương lai, tiểu thuyết Việt Nam vẫn dung hợp cả những đề tài ăn khách và một số đề tài truyền thống (lịch sử - xã hội, chiến tranh cách mạng) vẫn còn sức sống trong ký ức dân tộc.

Nhưng chiếm số lượng nhiều nhất trong tập sách là những bài phê bình tiểu thuyết hiện đại / đương đại. Hầu hết những bài viết này đã từng được đăng trên báo chí, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia. Có thể chia thành hai loại: trước hết, phải kể đến những bài phê bình chuyên luận của đồng nghiệp: Một công trình nghiên cứu mới về tiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975, Diễn trình tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1900 – 1930… Để viết đúng và hay những công trình nghiên cứu của người khác, người viết phải vừa là nhà khoa học, vừa là nghệ sĩ. Bùi Việt Thắng có cả hai phẩm chất đó. Phần phê bình tiểu thuyết, Bùi Việt Thắng cũng thể hiện được năng lực thẩm định tác phẩm nghệ thuật. Xuyên suốt các bài phê bình là cái nhìn sáng suốt, khách quan và thái độ trân trọng của ông đối với trang viết của các nhà văn.

Theo tôi, Bùi Việt Thắng theo dõi rất sát tình tình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Ông kịp thời phát hiện ra những tác phẩm hay và giới thiệu cho bạn đọc biết được những thành tựu mới của văn học nước nhà. Bùi Việt Thắng luôn nhấn mạnh rằng, những bài viết của ông là “những cách đọc khác” (thấm đượm tinh thần cởi mở, đổi mới và có chính kiến chủ quan). Những bạn đọc khác có thể tiếp cận tác phẩm theo cách khác, không giống với Bùi Việt Thắng. Và tất nhiên, tác giả của Thi pháp tiểu thuyết hiện đại cũng không nhất thiết phải giống ai./.

PHẠM NGỌC HIỀN

Bài đầu tiên của cuốn sách viết về chuyên luận Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 của Phạm Ngọc Hiền (bài này từng đăng trên báo Văn nghệ TW, số 20/11/2010). (xem toàn văn ở đây)

 


Phamngochien.com - 18:32 - 19/11/2019 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận