Những đóng góp của Phạm Ngọc Hiền trong chuyên luận Thi pháp học

 

 Bìa sách Thi pháp học (in lần 1 và 2)

Phạm Ngọc Hiền là cây bút lý luận phê bình có sức viết khá dồi dào. Anh đã có nhiều bài về Thi pháp học đăng rải rác trên các báo. Đến năm 2016, Phạm Ngọc Hiền mới công bố chuyên luận Thi pháp học. Cuốn sách được NXB Văn học cấp giấy phép và công ty Văn hóa Đông Tây phát hành. Có thể nói, đây là một trong những công trình có quy mô nhất về Thi pháp học từ trước đến nay ở Việt Nam.
1. Kế thừa và đổi mới Thi pháp học
Đến nay, Thi pháp học không còn là vấn đề mới mẻ trong nghiên cứu văn học. Trên thế giới, các trường phái Thi pháp học nở rộ vào giữa thế kỷ XX. Ở Việt Nam, nó đã trở thành mốt thời thượng vào thập niên cuối của thế kỷ XX. Phạm Ngọc Hiền là người đi sau, chắc hẳn phải chịu ảnh hưởng các bậc tiền bối. Kết cấu công trình Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền cũng có nhiều nét giống với Giáo trình Thi pháp học của Trần Đình Sử đã công bố trước đó hơn 20 năm. Công trình của Phạm Ngọc Hiền cũng nghiên cứu về các thành tố cơ bản trong cấu trúc tác phẩm văn học… Chỉ khác là, tác giả có thêm phần khảo sát mối quan hệ giữa các thành tố. Đặc biệt là các mối quan hệ giữa: thể loại và ngôn từ, nhân vật và hình tượng tác giả, không gian và thời gian, cốt truyện – điểm nhìn – kết cấu…
Bên cạnh sự kế thừa thành quả của những người đi trước, Phạm Ngọc Hiền cũng có nhiều nét đột phá trong nghiên cứu về Thi pháp học. Ở chương Tổng quan về Thi pháp học, tác giả dành ra một mục để “Góp phần xác lập một khoa học về Thi pháp ở Việt Nam”. Ở mục này, dường như Phạm Ngọc Hiền đã thoát khỏi cái bóng của những người đi trước và mạnh dạn đưa ra quan điểm riêng của mình về Thi pháp học. Phạm Ngọc Hiền định nghĩa: “Thi pháp là phương pháp sáng tạo cấu trúc hình thức làm cho tác phẩm nghệ thuật đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Thi pháp học là khoa học nghiên cứu về thi pháp” [3, tr.95]. Theo tác giả, đối tượng nghiên cứu của Thi pháp học là hình thức nghệ thuật. Về phương pháp nghiên cứu, Phạm Ngọc Hiền đưa ra ba cách lựa chọn: phương pháp hình thức, phương pháp cấu trúc, phương pháp cấu trúc – hình thức. Tác giả chia cấu trúc tác phẩm thành năm cấp độ: 1. Chất liệu, 2. Hình thức, 3. Nghệ thuật, 4. Tính nội dung của hình thức nghệ thuật (cái lý của hình thức), 5. Nội dung, tư tưởng. Phạm Ngọc Hiền cho rằng, các công trình Thi pháp học không khảo sát nội dung tư tưởng tác phẩm. Trong bốn cấp độ còn lại, việc nhấn mạnh cái nào tùy thuộc vào từng khuynh hướng Thi pháp học. Đó là năm khuynh hướng: Thi pháp học thể loại, Ngôn ngữ - Hình thức, Cấu trúc – Ký hiệu học, Phê bình Mới Âu - Mỹ, Thi pháp học Văn hóa – lịch sử.
Về phạm vi nghiên cứu của Thi pháp học, Phạm Ngọc Hiền cho rằng: “phạm vi nghiên cứu của Thi pháp học là các tác phẩm văn chương có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, Thi pháp học còn có thể nghiên cứu cả các loại hình nghệ thuật khác” [3, tr.116]. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy trong cuốn Thi pháp học, không chỉ có văn chương mà còn có cả sân khấu, điện ảnh, ca từ, hội họa, điêu khắc… Điều này cũng dễ hiểu, chúng ta thấy rằng, các giải Nobel gần đây đã mạnh dạn trao cho các nhà báo và nhạc sĩ. Rõ ràng, đường biên của văn học đang mở rộng. Nó không còn thu hẹp trong tháp ngà ngôn ngữ mà đang có xu hướng bắt tay với các loại hình nghệ thuật khác để hội nhập vào thời đại nghe – nhìn. Là một công trình lý luận văn học, chuyên luận Thi pháp học cũng bắt nhịp với sự tiến bộ của thời đại. Bởi vậy, giữa thời kỳ lên ngôi của điện ảnh và âm nhạc, chắc hẳn nó sẽ không bị lạc điệu mà còn có thêm thị trường tiêu thụ.
2. Có sự kết hợp giữa lý luận và thực hành phân tích văn chương
Lâu nay, nhiều độc giả Việt Nam rất ngại đọc các sách Lý luận văn học. Có nhiều lý do: Thứ nhất, người ta cho rằng các nhà lý luận chỉ nói lý thuyết suông, ít thực tế. Giáo viên không tìm thấy trong các công trình lý luận những vấn đề thiết thực với công việc giảng dạy của mình. Thứ hai, nhiều công trình cứ nhắc đi nhắc lại những lý thuyết văn học đã cũ, nhất là những sách vở của Liên Xô, Trung Quốc từ thế kỷ trước. Các văn nghệ sĩ khó tìm thấy những lý thuyết mới để học tập kinh nghiệm sáng tác. Thứ ba, do trình độ chuyên môn chưa cao, nhiều độc giả Việt Nam không tiêu hóa nổi các lý thuyết văn học nước ngoài. Một số nhà nghiên cứu trích dẫn những câu nói của các học giả nước ngoài nhưng không diễn giải. Sinh viên cũng trích dẫn lại nhưng không hiểu nghĩa của nó…
Công trình Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền đã phần nào khắc phục được các hạn chế trên. Tác phẩm cũng trích dẫn lại nhiều câu nói nổi tiếng và khó hiểu trong lĩnh vực Thi pháp học như:  “Chức năng thi ca phóng chiếu nguyên tắc tương đồng của trục lựa chọn lên trục kết hợp” (R. Jakobson), “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu văn chương với tư cách là một nghệ thuật” (V. Girmunxki), “Tiểu thuyết Mới không phải là một lý thuyết, đó chỉ là một cuộc kiếm tìm” (A. R. Grillet)… Phạm Ngọc Hiền đã diễn giải và chứng minh các câu nói đó bằng các dẫn chứng trong văn học Việt Nam. Lâu nay, nhiều người đã nghe nói thuật ngữ cấu trúc tác phẩm văn học nhưng chưa hình dung nó như thế nào. Phạm Ngọc Hiền đã giải thích bằng việc so sánh cấu trúc tác phẩm văn học như cấu trúc của một căn nhà. Trong toàn bộ công trình, tác giả đưa ra lý thuyết nào thì đi kèm với giải thích và chứng minh lý thuyết đó. Những vấn đề rắc rối, khó hiểu đều trở nên sinh động, dễ hiểu qua ngòi bút của Phạm Ngọc Hiền. Cuối cuốn sách, tác giả còn thực hành phân tích ba tác phẩm: bài thơ Thu nhà em (Lê Đạt), tiểu thuyết Đống rác cũ (Nguyễn Công Hoan) và Thành phố thủy tinh (P. Auster). Qua đó, bạn đọc hình dung rõ ràng hơn cấu trúc của tác phẩm văn học.
Các dẫn chứng trong Thi pháp học rất phong phú. Bên cạnh những dẫn chứng trích từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, Phạm Ngọc Hiền còn tự sáng tác các dẫn chứng mới để minh họa cho các luận điểm của mình. Ví dụ, để minh họa các loại không gian nghệ thuật, tác giả tự đặt ra ví dụ: “Leo lên một con voi đất, chúng tôi thấy có một mái ấm bình yên neo mình bên con suối nhỏ ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ” (PNH), “Những nàng thiên nga sải những đôi cánh thần tiên bay lên miền tự do cao xa và mất hút trong màu thủy tinh xanh ngợp mắt” (PNH). Để minh họa cho giá trị biểu trưng của các âm tiết: ơ, âm, tác giả đặt ví dụ: “Chị Mơ đứng thẩn thơ bên bờ sông lúc tờ mờ sáng, nhìn những cọng cỏ lơ thơ dật dờ trong dòng nước bỗng ngẩn ngơ thương nhớ đôi bờ” (PNH), “Trong thâm tâm, chị muốn giãi bày nguồn cơn nhưng ấm ức không nói được. Chị trở nên trầm lặng, ban đêm lầm rầm đọc kinh” (PNH). Tác phẩm có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, diễn giải rõ ràng, dễ hiểu, thích hợp cho mọi đối tượng bạn đọc…
3. Bản lĩnh khoa học và tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan
Bản lĩnh khoa học của tác giả được thể hiện trước hết ở quy mô trang viết: 600 trang giấy khổ lớn (15 X 23). Công sức sưu tầm tài liệu cũng rất “khủng”. Theo thống kê của Phạm Ngọc Hiền, có 850 công trình liên quan tới Thi pháp học. Trong đó, có 340 công trình trên thế giới và 510 công trình ở Việt Nam. Dĩ nhiên, thống kê ấy chưa đầy đủ nhưng phải ghi nhận là từ trước đến nay, chưa có công trình nào thống kê nhiều tác phẩm Thi pháp học như thế. Đây là tài liệu rất quý cho những ai nghiên cứu về Thi pháp học. Công trình cũng đề cập đến khá nhiều lĩnh vực khoa học xã hội: Văn học, Ngôn ngữ học, Ký hiệu học, Hình thức luận, Cấu trúc luận, trào lưu Phê bình Mới, Văn hóa – lịch sử…Dẫn chứng cũng đa dạng, bao gồm các tác phẩm văn học - nghệ thuật trong và ngoài nước, cổ đại, hiện đại và có cả… hậu hiện đại.Trong văn học Việt Nam hiện đại, có cả những tác phẩm văn học đô thị miền Nam và văn học hải ngoại. Tác giả cũng phân tích cả những bài hát, tác phẩm điện ảnh… Có thể nói, đây là việc làm rất hiếm thấy trong các công trình nghiên cứu văn học.
Trong phần Phụ lục của cuốn sách, có bài viết: “Tổng quan Thi pháp học Việt Nam”. Theo lời tác giả, đây là bài sửa chữa, bổ sung từ bài viết “Lược sử Thi pháp học Việt Nam”. Công trình này đã được công bố từ năm 2008 và có nhiều sách báo đã trích dẫn nguồn từ bài này. Bởi vậy, để tôn trọng tính lịch sử, tác giả phải viết lại, bổ sung thêm các tài liệu mới. Trong bài “Tổng quan Thi pháp học Việt Nam”, tác giả trình bày theo dòng thời gian lịch sử, bắt đầu từ trung đại cho đến hiện đại (2015). Tác giả không chỉ liệt kê các tác phẩm tiêu biểu của từng giai đoạn mà còn đưa ra lời bình để thấy được ý nghĩa lịch sử của nó. Tác giả phát hiện: “Những cuốn sách có màu sắc Thi pháp học đầu tiên ở Việt Nam được xuất bản ở Nam Kỳ. Đó là Thi pháp nhập môn (bàn về thơ Annamite) của Thế Tải, Trương Minh Ký do nhà in thương mãi Rey ở Saigon xuất bản năm 1898” [3, tr.461]. Phạm Ngọc Hiềnđã ghi nhận công lao của những người mở đường cho Thi pháp học hiện đại ở Việt Nam như: Trần Thiện Đạo, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử… Tác giả có cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học khi đánh giá các hiện tượng văn học. Điều này cũng cho thấy bản lĩnh khoa học và tinh thần làm việc nghiêm túc của Phạm Ngọc Hiền.
Đọc Thi pháp học, bạn đọc sẽ thấy khá rõ dấu ấn phong cách tác giả. Đó là nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà giáo Phạm Ngọc Hiền… Ngôn ngữ của tác giả có sự kết hợp giữa văn phong khoa học và nghệ thuật, văn nói và văn viết. Xin lấy ví dụ một đoạn hùng biện của tác giả: “Đối với những công trình mà tên đề tài có chữ “thi pháp” thì hãy cẩn thận khi đưa vào phương pháp Xã hội học. Việc tìm hiểu những nội dung về lịch sử xã hội không phải là nhiệm vụ của nhà Thi pháp học. Lấy ví dụ: khi nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử, nhà Thi pháp học chỉ nên chú trọng hình thức nghệ thuật thơ. Còn việc nghiên cứu tiểu sử, bối cảnh sáng tác, tình trạng bệnh tật của Hàn thì xin nhường cho nhà Xã hội học. Sẽ có người biện luận: nếu không nghiên cứu tiểu sử của Hàn thì làm sao hiểu sâu sắc các bài thơ của ông. Xin trả lời rằng, nếu muốn nghiên cứu tiểu sử của Hàn thì đừng khoác áo Thi pháp, nếu khoác áo Thi pháp thì đừng nghiên cứu tiểu sử của Hàn. Khoác áo Thi pháp học mà nói giọng Xã hội học là không thích hợp” [3, tr.122].
Nói tóm lại, Thi pháp học là công trình nghiên cứu có quy mô lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực, số lượng tài liệu tham khảo rất phong phú. Tác phẩm không chỉ có ý nghĩa tổng kết Thi pháp học mà còn mở ra nhiều hướng đi mới trên các lĩnh vực: lý luận, giảng dạy, sáng tác nghệ thuật. Tác giả có một nhãn quan mới, tư duy mở, cộng với tinh thần làm việc nghiêm túc khách quan. Hy vọng rằng, Thi pháp học sẽ có một chỗ đứng ổn định vượt qua mọi sự sàng lọc của thời gian.
 
TS. MAI LIÊN GIANG
 
Tài liệu tham khảo
1. Trương Đăng Dung(chủ biên) (1990), Các vấn đề của khoa học văn học, Nxb Khoa học xã hội, H.
2. Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên) (2013), Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H. 2013
3. Phạm Ngọc Hiền (2016), Thi pháp học, Nxb Văn học, H.
4. Trần Đình Sử (1998),Giáo trình Dẫn luận Thi pháp học, NXB Giáo dục, H.
5. Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Tùng (chủ biên)(2010), Thi pháp học ở Việt Nam, NXB Giáo dục. H.
6. Trần Khánh Thành (2002), Thi pháp thơ Huy Cận, Nxb Văn học, H.
7. Đỗ Lai Thúy (biên soạn)(2001), Nghệ thuật như là thủ pháp, Nxb Hội nhà văn, H.
8. Hoàng Trinh (1995), Từ kí hiệu học đến thi pháp học,Nxb KHXH, Trường Viết văn Nguyễn Du, H.
.
Nguồn: T/c Văn nghệ Phú Yên số 12 / 2016
 

Xem giới thiệu chuyên luận Thi pháp học (in lần 2)

Xem nhận xét của độc giả

Địa chỉ mua sách trên mạng (bản in lần 2):

https://nxbhcm.com.vn/2/thi-phap-hoc-3764

https://www.sachkhaitam.com/van-hoa-nghe-thuat/thi-phap-hoc

https://www.vinabook.com/thi-phap-hoc-p86105.html

https://trivan.com.vn/products/thi-phap-hoc

https://www.fahasa.com/thi-phap-hoc-238193.html

 

 


Phamngochien.com - 08:29 - 14/09/2019 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận