Tôi quan niệm nghề nghiệp của một người là công việc mà người đó đã làm trong một thời gian dài (ít nhất nửa năm) và có thu nhập hẳn hoi. Nếu nói vậy thì tôi đã từng làm những nghề sau:
1. Làm nông
Cũng như hầu hết HS nông thôn thời ấy, tôi cũng làm nông. Khi tôi bắt đầu đi học, quê tôi đã vào Hợp tác xã, sáng chiều, mọi người đi làm theo tiếng kẻng. Gia đình tôi có chín người nhưng chỉ có bốn lao động chính. Tôi vốn không có tạng người lao động tay chân nhưng phải cố gắng gánh lúa ngang với một lực điền chuyên nghiệp (để đủ một công lao động). Có những buổi trưa đi học về, bụng đói chưa kịp ăn cơm thì phải ra ngoài đồng gánh lúa dưới trời nắng chang chang. Khi đặt một gánh lúa nặng trên vai, cái mơ ước lớn nhất là trút được gánh nặng ấy. Không chỉ trồng lúa mà nhà tôi còn trồng khoai, sắn, mía, chăn nuôi heo, gà... Kỷ niệm đáng nhớ nhất là mùa hè năm 1989, gia đình lên trồng mía và sắn ở vùng kinh tế mới Mỹ Thành (cũng có tham vọng làm ăn theo kiểu trang trại nhưng thất bại). Chúng tôi ngồi phơi nắng nửa tháng trời, ban đêm ngủ ngoài bìa rừng. Ngoài ra, tôi còn làm nhiều việc khác của nhà nông nhưng thực ra, chỉ là nông dân dỏm nên mới bỏ nghề.
Cánh đồng gắn bó với tuổi thơ tôi: thôn Phú Diễn Ngoài, xã Hòa Đồng, Tuy Hòa Tây
2. Làm thợ
Thợ máy: Chú Bảy tôi có một cái máy cưa cây, sau đó, chế tạo thành các loại máy khác. Đầu tiên, tôi phụ máy cưa cây, công việc chỉ là xách nước máy từ thùng dưới đổ lên thùng trên cho nguội máy... Cái máy đó còn được chế thành máy bơm nước, máy xay bột, rồi máy phát điện cho đài truyền thanh hợp tác xã. Tiếp theo, tôi cùng ông nội phụ trách máy tuốt lúa (loại máy thủ kỳ). Tôi phụ trách những việc như: nhớ tên những người đăng ký tuốt để sau này tính tiền hoặc quy ra lúa. Ngoài việc xách nước máy, tôi còn phải bơm dầu mỡ, quay máy... Cứ mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi theo máy đi từ nhà này đến nhà nọ, từ sân kho này đến sân kho nọ, áo quần lem luốc cũng giống... thợ máy mặc dù lúc ấy đang học cấp III.
Thợ mộc: Cả dòng họ phía nội tôi đều làm thợ mộc và đều là thợ giỏi nên không ai bỏ nghề. Ông nội tôi từng mở một xưởng mộc lớn chuyên đóng bàn ghế, tủ gường, nhà cửa... Học trò theo học rất đông, và những người này khi thành nghề cũng đào tạo ra những học trò khác, thành ra, ông là một trong những ông tổ nghề mộc của huyện Tuy Hòa Tây. Thời đó, người theo học nghề này rất đông nhưng không mấy ai trụ lại được vì nó đòi hỏi phải có đầu óc thẩm mỹ và khả năng kiến trúc (cứ nhìn một cái tủ thờ hoặc một căn nhà gỗ cổ kính thời xưa sẽ thấy rõ cái tài hoa của người thợ). Ba tôi là một thợ mộc lành nghề và cũng muốn truyền nghề cho chúng tôi. Từ lúc còn học lớp năm, tôi đã biết đóng một cái bàn nhỏ để ngồi học. Tôi còn phụ giúp ba tôi làm đủ thứ, bởi vậy, cũng khá rành các thao tác nghề mộc như cưa, bào, đục, đóng, đo... Dòng họ tôi có nghề mộc truyền thống nhưng tới thời chúng tôi thì không ai tiếp nối nữa. Tôi đã bỏ dùi đục để cầm bút cho nhẹ tay.
3. Nghề vẽ
Khi về già, ông nội tôi chuyển sang đóng hòm (quan tài) và tam sơn (đồ thờ) để bán. Lên lớp sáu, tôi bắt đầu phụ ông nội vẽ hòm. Các hình trang trí trên hòm là rồng, phụng, kỳ lân, rùa, nai, cá... Còn tam sơn được sơn màu đen vẽ nhũ trắng lên, hai con con rồng chầu hai bên, ở giữa là mặt trời... Tôi rất đam mê nghề vẽ, cứ sau buổi học là chạy vọt lên nhà ông nội ngồi vẽ, không cần ông cho tiền, chỉ cần cho tôi vẽ là được. Tuy nhiên, ông nội vẫn coi tôi là một thợ vẽ chuyên nghiệp và đưa tiền đàng hoàng, đó là một khoản tiền lớn so với cái thời ở nông thôn người ta không biết làm gì ra tiền. Lên cấp ba, tôi còn vẽ các bảng hiệu may, sơn nhà cửa, vẽ tranh phong cảnh treo nhà... Từ khi đi học Đại học ở xa, tôi không làm nghề này nữa. Tuy nhiên, những công việc liên quan tới mỹ thuật ở lớp học, cơ quan đều do tôi đảm trách. Thời dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn, Đoàn trường có mở Câu lạc bộ Mỹ thuật do tôi đảm nhiệm. Tôi trở thành thầy dạy vẽ.
Cái tam sơn và bàn thờ này là do ông nội tôi đóng và tôi vẽ
Ông nội tôi (ảnh chính diện) đã dẫn dắt tôi vào nghề vẽ
4. Buôn bán
Gia đình tôi vốn có truyền thống buôn bán. Bà nội tôi suốt đời làm nghề buôn bán. Hồi nhỏ tôi sống với ông bà nội nên cũng biết chút ít nghề này. Nhà tôi có mở một cửa hàng bán tổng hợp đủ thứ: xi măng, sắt thép, đồ điện, phụ tùng xe đạp, máy móc, phân bón, đồ gốm... Nói chung, ai cần mua gì cứ tới quán tôi là có đủ. Thời học cấp III, tôi chở dầu tới các máy gạo, máy tuốt lúa, máy cưa cây, máy làm gạch ngói... Tôi luôn thực hiện đúng chữ tín với khách hàng: sẽ chở hàng tới tận nơi, đúng ngày giờ quy định và sẽ không bị đứt hàng. Thậm chí, còn nhiệt tình mua dùm cho họ phụ tùng máy móc để lấy lòng. Bằng cách ấy, gia đình tôi đã chiếm lĩnh một thị trường tiêu thụ dầu rộng lớn khắp một nửa huyện... Sau mỗi buổi học, tôi chở hai thùng dầu hai bên xe đạp, rong ruổi đi các xã, bất chấp nắng mưa, đường lầy trơn trợt... Sau khi tôi và Lân đi học ở xa, công việc này giao lại cho Biên. Lúc này, cửa hàng nhà tôi đã phát triển với quy mô lớn hơn, chỉ cần ngồi một chỗ điều hành. Và bây giờ trở thành một trong những cửa hàng lớn nhất huyện Tuy Hòa Tây.
Cửa hàng của gia đình tôi ở thôn Phú Diễn, xã Hòa Đồng
5. Nghề dạy học
Tôi bắt đầu nghề dạy học vào năm 1994. Đầu năm, đi thực tập sư phạm ở trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Tuy Hòa). Từ tháng 9, bắt đầu dạy chính thức tại trường PTTH Trần Quốc Tuấn (Phú Yên). Tôi ở nội trú của trường, sống đạm bạc, dồn hết tâm huyết cho nghề. Ngay trong năm dạy đầu tiên, tôi đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Sau này còn nhận được nhiều giấy khen và các danh hiệu của khác của trường và Sở Giáo dục tặng. Ngoài công việc giảng dạy, tôi còn có thời gian làm Bí thư đoàn trường và Tổ trưởng tổ Văn. Tôi cố gắng theo đuổi một cuộc sống lý tưởng để đào tạo ra những học trò theo khuôn mẫu của mình. Có lẽ 13 năm dạy học ở Phú Yên là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời dạy học của tôi.
Năm 2007, tôi vào Sài Gòn dạy ở khoa Ngữ văn, trường ĐH Văn Hiến, lại bắt đầu làm quen với môi trường giáo dục rất mới mẻ. Những năm đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm đủ mọi việc. Từ ngày 1 / 1 / 2011, tôi chuyển sang công tác ở trường ĐH Sài Gòn, khoa Sư phạm Khoa học Xã hội. Ngoài giảng dạy, tôi từng làm các công việc như: Phó khoa Xã hội, Thư ký tòa soạn Tạp chí ĐH Sài Gòn, phụ trách khoa học của Khoa, trưởng bộ môn, CLB Văn học và làm nhiều việc linh tinh khác nữa. Tôi được dạy những bộ môn đúng như sở trường của mình...
Ngoài ra, tôi còn dạy thỉnh giảng ở các trường khác như: ĐH Văn hóa, ĐH Bình Dương, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Ngoại ngữ - Tin học, ĐH Nội vụ (cơ sở TP.HCM)... Và cộng tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn, chấm luận văn thạc sĩ... cho các trường: ĐH Vinh, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH KHXH&NV... Như vậy, trong đời dạy học, tôi từng dạy trung học, đại học, cao học; trường công và trường tư; miền Trung và miền Nam, nông thôn và thành phố...
Dạy Cao học ở trường Đại học Sài Gòn
6. Công tác Đoàn thể
Tôi đã làm công tác phong trào từ lúc còn học phổ thông. Hồi học cấp II, đã tham gia các hoạt động Đoàn Đội, vào Đoàn khá sớm: năm lớp 8. Hồi học trường THPT Lê Hồng Phong, tôi làm lớp phó Văn - Thể - Mỹ, làm báo tường cho lớp, trang trí các lễ hội văn nghệ cho trường. Lên đại học, tôi nằm trong chấp hành Hội Sinh viên của trường ĐHSP Quy Nhơn, Chủ nhiệm CLB Văn học, chủ trì nhiều hoạt động Văn nghệ, báo chí của lớp, trường...
Khi đã là GV, tôi làm Bí thư Đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn giai đoạn 1997 - 1999, trở thành "bộ tứ" trong ban lãnh đạo một trường có số lớp đông nhất tỉnh. Đây là những năm tháng sôi động, tôi lao đầu vào hoạt động phong trào, sáng tạo ra nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn... Tôi rất coi trọng công tác thi đua, tuyên truyền nên đoàn trường được xuất hiện rất nhiều trên báo chí, phát thanh, truyền hình. Công tác đoàn đã đem lại cho tôi nhiều kinh nghiệm rất quý báu về công tác quản lý. Tôi được chọn báo cáo điển hình về phong thanh niên trường học của thị xã Tuy Hòa, được tặng bằng khen của Tỉnh Đoàn và được Ban trường học Tỉnh đoàn đánh giá là Bí thư đoàn trường năng động nhất của tỉnh Phú Yên NH 1998 - 1999. Nhưng niềm vui lớn hơn nữa là Đoàn trường của tôi dẫn đầu phong trào Đoàn trường học toàn tỉnh Phú Yên (gồm 20 trường cấp III và Trung cấp).
Nhận cờ thi đua xuất sắc đứng đầu khối Đoàn trường học toàn tỉnh Phú Yên năm 1999
Vào Sài Gòn, tôi vẫn tiếp tục tham gia hoạt động phong trào... Ở trường ĐH Văn Hiến, tôi cũng được giao nhiều công việc đoàn thể. Tổ chức các sinh hoạt văn nghệ cho sinh viên, giao lưu với bút nhóm Áo trắng, ra nội san Văn học... Ở trường ĐH Sài Gòn, tôi cũng tham dự hầu hết các hoạt động phong trào của Khoa: Hội thi nghiệp vụ Sư phạm, văn nghệ, giao lưu với các CLB...
7. Hoạt động báo chí, văn nghệ
Tôi bắt đầu có bài đăng báo từ lúc còn là SV năm thứ hai. Đến năm thứ ba, có viết một bài phóng sự đăng trên báo Giáo dục và thời đại số 24 - 5 - 1993 gây dư luận xôn xao. Bài báo đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về các chủ trương của ngành giáo dục những năm đầu đổi mới. Sau sự cố đầu đời, tôi rút ra rất nhiều bài học bổ ích trong công việc viết lách.
Tôi còn có nhiều bài gây chú ý như: "Có nên gọi chung môn Văn - Tiếng Việt là môn Tiếng Việt ?" (Văn nghệ, số 26/8/1995). Tôi không đồng ý chủ trương gọi chung môn Văn - Tiếng Việt là Tiếng Việt và đề nghị nên gọi là môn Ngữ văn (sau này, SGK mới bậc trung học lấy tên là Ngữ văn). Bài "Chí Phèo có phải là con rơi của Bá Kiến?" đăng trên báo GD & TĐ, số 8/5/2003 làm nổ ra cuộc tranh luận kéo dài suốt ba tháng. Tôi chuyên viết nghiên cứu, phê bình văn học. Có một thời, tuần nào cũng có bài đăng báo. Tôi từng là ủy viên Hội đồng lý luận phê bình của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM (phụ trách mảng văn học).
Tôi có nhiều tập sách in riêng, bao gồm sách thơ, truyện, nghiên cứu, phê bình, tài liệu luyện thi ĐH... Tôi cũng từng cộng tác biên tập cho NXB Văn học (chi nhánh phía Nam)... Tôi từng là thư ký tòa soạn Tạp chí ĐH Sài Gòn, và làm phản biện bài báo khoa học cho một số tạp chí. Ngoài ra, còn phụ trách các trang web: phamngochien.com, tapchivan.com, tapchisongba.com... Hằng ngày, tôi cũng phải thu thập thông tin, viết bài, biên tập kỹ thuật như một người làm báo chuyên nghiệp.
Thư ký tòa soạn Tạp chí Đại học Sài Gòn.
Ngoài ra, tôi còn làm nhiều công việc khác. Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ rằng, tính cách của tôi được hình thành từ các nghề nghiệp tôi đã trải qua. Xin thưa: điều đó chưa hẳn. Tính cách của tôi được hình thành từ năm biến cố lớn trong đời. Nhưng đây là những câu chuyện buồn nên tôi không kể ra làm gì... Tôi tự dặn mình phải luôn rèn luyện thần kinh thép để khi nào gặp biến cố thì vẫn có thể nở được nụ cười giòn giã nhất...