Phúng dụ mini trong Chuyện làng trên mạng của Phạm Ngọc Hiền (Lê Nguyễn I Pha)

 

 

PHÚNG DỤ MINI TRONG CHUYỆN LÀNG TRÊN MẠNG CỦA PHẠM NGỌC HIỀN

(Đọc tập truyện mini Chuyện làng trên mạng của Phạm Ngọc Hiền, NXB Tổng hợp, 2023)

1. Ngày nay, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các hình thức nghệ thuật ngắn như hài kịch clip / video, tiểu phẩm báo chí, truyện mini… Các thể loại này rất phù hợp với nhịp sống và thị hiếu của công chúng hiện đại. Chúng dễ dàng cập nhật các vấn đề thời sự, đưa ra cái nhìn độc đáo của tác giả. Truyện mini còn được gọi truyện cực ngắn, truyện rất ngắn, truyện siêu ngắn… Thể truyện này thường sử dụng hình thức phúng dụ, đa nghĩa, gợi nhiều ẩn ý thú vị. Có thể thấy các đặc điểm của loại truyện mini phúng dụ trong tập Chuyện làng trên mạng của Phạm Ngọc Hiền.

2. Ngay từ cách đặt nhan đề tập sách, tác giả đã khơi gợi được nhiều liên tưởng thú vị. Làng truyền thống là nơi lưu giữ những phong tục, nếp sống sinh hoạt, gắn bó giữa người với người. Tuy nhiên, “chuyện làng” ở đây lại mang tính hiện đại bởi xuất hiện “trên mạng”, với những cư dân ảo, kết nối lỏng lẻo. Ghép 193 truyện trong tập, ta sẽ có bức tranh khá đa dạng về cuộc sống. Đúng như lời giới thiệu ở bìa sau cuốn sách: “Chuyện làng trên mạng gồm những truyện mini có tính ẩn dụ. Mỗi truyện là một thông điệp, thể hiện các triết lý đa chiều về cuộc sống. Ta có thể bắt gặp ở đây những câu chuyện đáng suy ngẫm từ quê ra phố, trong và ngoài nước, xưa và nay, những vấn đề từng gây tranh luận trên mạng xã hội…”.

3. “Bởi truyện ngắn là chưng cất, truyện rất ngắn lại càng chưng cất tinh túy hơn” (Nguyên Ngọc). Truyện càng ngắn càng phải được cô đọng về từ ngữ, ít chi tiết, nhân vật. Ngoài sự hàm súc, dư ba, truyện mini còn phải đưa ra một nội dung mới. Nếu mượn tích cũ thì phải đưa ra góc nhìn mới, có thể trái ngược với quan điểm thông thường. Phạm Ngọc Hiền thường sử dụng thủ pháp phúng dụ trong việc đánh giá lại các tác phẩm, nhân vật và sự kiện lịch sử. Tác giả “nhại” lại truyện Chí Phèo (Ai cho tao làm phó lý?, Chí Phèo quảng cáo văn Nam Cao), Tây du ký (Vòng kim cô, Cấm internet Hoa Quả Sơn), các truyện cổ về chàng Ngốc (Anh Ngốc đi tìm vợ, Chàng Ngốc và Tổ quốc)... Tác giả còn “nhại” về những nhân vật lịch sử nổi tiếng qua các truyện: An Lộc Sơn và Dương Quý Phi, Hòa bình tức là chiến tranh, Bịa lý do khởi chiến, Huân chương sa mạc bội tinh, Chế tác danh hiệu… Tác giả sử dụng các mẩu chuyện lịch sử như là một phương thức phúng dụ, mượn chuyện này để nói chuyện kia. Chẳng hạn, Cách sống của Lão Tử kể về việc Lão Tử cưỡi trâu chu du thiên hạ. Khi được một gia đình nhờ dạy đạo đức cho những đứa con của họ thì Lão Tử từ chối với lý do: “Như tôi đây ngày nào cũng lo tự rèn luyện đạo đức mà vẫn chưa hoàn thiện mình thì còn sức đâu để dạy đạo đức cho người khác được”. Truyện này có ý ngầm chê trách thói “đạo đức giả” của người đời. Truyện Cho phép hoài Lê có chi tiết vua Minh Mạng cho phép lưu hành các tác phẩm có tư tưởng hoài tiếc triều Lê của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du… Ta hiểu đây không chỉ là câu chuyện của thời Nguyễn mà cũng là vấn đề đặt ra của thời nay. Truyện Ăn no chóng lớn để ra trận nói về một viên tướng nướng lính trong Thế chiến II ở châu Âu. Từ đó, ta liên tưởng đến nỗi đau của những người mẹ mất con trong các cuộc chiến tranh. Truyện Âu cũng là kiếp người gợi lên sự suy tư về những kiếp người trong biển nhân sinh xô bồ. Nhà báo và người bán hàng rong nhìn lẫn nhau bằng cặp mắt thương hại. Qua đây, ta rút ra bài học, không nên vội vã phán xét cuộc sống của người khác. Muốn hiểu rõ mình là ai, cần phải đặt bản thân mình vào góc nhìn của người khác. Con trâu ăn sợ con trâu buộc mượn chuyện loài trâu để nói về thói đố kỵ của loài người. Trong tập sách, ta gặp nhiều tiêu đề lấy ý từ những câu tục ngữ và khẩu ngữ quen thuộc trong dân gian: Cá lớn nuốt cá bé, Chim trong lồng, Dây mơ rễ má, Lời chào no hơn mâm cỗ, Ném đá giấu tay, Nghề cha truyền con nối, Hỏng từ trên nóc, Ra nước ngoài kiếm cơm… Nhiều từ ngữ hiện đại cũng được tác giả sử dụng và sáng tạo mang ý nghĩa trào phúng, như các tiêu đề: Bao giờ tới Tết Congo, Ai cũng vô lò, Bão bóng đá, Bầu sữa nhà nước, Biên chế vật nuôi, Cấm vận tê giác, Chuyện Covid xóm Phây, Công chức trưởng thành, Công ty gia đình, Danh thủ bóng đá làng, Đại gia hộ nghèo, Hiệu ứng vịt đàn, Quy hoạch tổng thống, Vũ khí tối tân cho thỏ…

4. Nhân vật của truyện mini cũng rất ít. Trong tập Chuyện làng trên mạng, nhiều truyện chỉ có một nhân vật: Con vượn tiến hóa, Đại bàng trên non cao, Lấy chồng Hàn Quốc, Nên lãng phí hay tham ô ?, Tuần sau sẽ rõ… Tác giả thường mượn chuyện loài vật để nói chuyện loài người. Thế giới loài vật ở đây cũng có đủ mùi vị chua chát, đau thương, hài hước, dí dỏm: Cọp thọt chân ăn gì?, Cọp không giết đồng loại, Con vẹt ba hoa, Lịch sử loài sư tử, Lớp học trong rừng, Sai lầm của chó, Số phận hai con chó, Sư tử và voi, Thiên đường ở nơi đâu, Truyện cổ tích có thật không ?… Mỗi truyện gợi ra một thông điệp sống. Có Ba con cá khao khát được tự do. Nhưng đến khi được thả ra ao thì luôn đối phó với nguy hiểm chết chóc. Đúng như lời triết lý của con cá tăng động:“sự tự do nào cũng có cái giá phải trả”. Nhiều kẻ vốn hay mắc chứng vĩ cuồng cho rằng mình là nhất trên đời. Bởi vậy, cần phải có những kẻ mạnh hơn xuất hiện song hành để họ nhận biết bản thân mình lớn hay nhỏ (Con kiến vĩ cuồng). Truyện Cọp không giết đồng loại muốn gửi đến thông điệp: cùng loài thì không nên hãm hại nhau, nếu loài người biết yêu thương và coi thường chức tước thì sẽ không có chiến tranh. Truyện Con vẹt ba hoa có ý nghĩa châm biếm những người không có lập trường vững vàng. Nhiều con vật được đặt vào bối cảnh hiện đại với hàm ý thể hiện những vấn đề đặt ra trong xã hội ngày nay: Cấm internet Hoa Quả Sơn, Chó và mèo, Gạo thuộc sở hữu toàn dân, Hội thảo chim cảnh, Vẹt và công… Nhiều truyện viết về đợt dịch covid, có liên quan tới loài vật. Phong tỏa chuột kể về một con chuột bị đói nhiều ngày nhưng vẫn không dám bò ra khỏi sợi dây giăng. Con vẹt răn đe nó: “Côn trùng không phải là thực phẩm thiết yếu. Cậu sẽ bị phạt 3 triệu đồng và bị chụp hình đăng báo mạng để 100 năm sau con cháu vẫn còn nhìn thấy cái mặt chuột xấu xí đấy. Hãy coi trọng danh dự hơn miếng ăn”. Bộ xương lại run rẩy bò vô hang và vĩnh viễn không bao giờ bò ra nữa”. Tác giả sử dụng thủ pháp nhân hóa và ẩn dụ để thể hiện một câu chuyện vừa bi vừa hài, gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Tác phẩm này rất tiêu biểu cho thể loại truyện phúng dụ mini.

5. Có thể nói, để có những truyện mini hay, tác giả phải chắt lọc, dồn nén, đẩy lên tới mức bùng nổ. Nhìn hình thức bề ngoài của Chuyện làng trên mạng, ta có cảm tưởng như tác giả viết với phong thái ung dung, đủng đỉnh, dí dỏm, mua vui. Nhưng nếu nghiền ngẫm kỹ mỗi câu chuyện thì ta bắt gặp nhiều vấn đề rất đáng trăn trở đang diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn như chuyện nên hay không nên bỏ biên chế, những bất hợp lý trong việc cứu trợ, chi tiền bão lụt, chuyện dịch bệnh covid… Điều đó cho thấy, tác giả có sự quan sát tỉ mỉ, suy tư trăn trở từng sự vật hiện tượng, để rồi đúc kết thành từng mẩu chuyện nhỏ về hình thức nhưng có sức hàm chứa lớn về nội dung tư tưởng.

 Lê Nguyễn I Pha

Bấm đường link xem các hình ảnh về sách Truyện làng trên mạng


Phamngochien.com - 12:39 - 05/10/2023 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận