Trần Bảo Định đọc Chuyện làng trên mạng của Phạm Ngọc Hiền


TRIẾT LÝ LỊCH SỬ – NHÂN SINH TRONG CHUYỆN LÀNG TRÊN MẠNG CỦA PHẠM NGỌC HIỀN

Nhà văn, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền có số lượng tác phẩm lớn, thuộc nhiều thể loại. Về nghiên cứu, phê bình, ông có các sách: Những nẻo đường văn chươngTiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975Thi pháp họcTiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ Thi pháp học và khoảng 300 bài báo. Phạm Ngọc Hiền cũng biên soạn nhiều sách tài liệu tham khảo trong nhà trường. Về sáng tác, ông có mặt ở cả hai địa hạt: thơ và văn. Ông đã xuất bản tập thơ Nhớ mùa thu đã xa, tập truyện, ký Đời thực và mơ… Cuốn sách thực sự gây chú ý là tập truyện mini Chuyện làng trên mạng do NXB Tổng hợp ấn hành năm 2023. Tập sách gồm 193 truyện “mini” nhưng giá trị tiềm tàng không “mini”. Diễn ngôn nghệ thuật của Chuyện làng trên mạng chứa đựng nhiều triết lý lịch sử – nhân sinh muôn thuở, vừa có giá trị thời sự xã hội vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo.

1. Từ cảm hứng lịch sử…

Tập truyện mini Chuyện làng trên mạng bao gồm những mẩu chuyện ngắn rất ngắn – chỉ là những lát cắt đời sống thoáng qua. Bạn cũng có thể xem đây là những gợi mở gãy gọn. Tuy nhiên, những gợi mở rất nhỏ của Phạm Ngọc Hiền lại có thể giúp bạn đọc nhận ra những vấn đề “huyền thoại hóa” trong thời hiện đại. Đại dịch cúm như vòng vây ảo tưởng mà nhân vật trong mẩu chuyện “Canh giữ tù binh” dùng để cầm chân số tù binh có thể xem như hình thức ngụ ngôn, phúng dụ hoặc lối nhại của hậu hiện đại. Qua đó, bạn mơ hồ nhận thấy trong tư tưởng con người xưa nay vẫn hằng có những định kiến, thiết chế bất di bất dịch và dễ dàng sa đà vào trói buộc và tự trói buộc.

Rất nhiều truyện trong tập sách được phát triển dựa trên các nhân vật lịch sử có thật. Cho phép hoài Lê nói về chuyện vua Minh Mạng cho phép lưu hành thơ Bà Huyện Thanh Quan, Đất Nam Hà là của ai cho thấy sự phức tạp về chính trị thời chúa Trịnh, Hòa bình tức là chiến tranh cho biết lý do Lão Tử chạy khỏi nước Tần, Huân chương sa mạc bội tinh kể chuyện chinh chiến của Thành Cát Tư Hãn, Không có lập trường nhắc tới vụ đảo chính Ngô Đình Diệm… Phạm Ngọc Hiền có xu hướng giải thích lại hoặc phiếm luận bên lề các nhân vật lịch sử này. Hoặc giả, cảm hứng lịch sử khơi gợi từ các nhân vật này chỉ là móc treo để nhà văn đính vào đó nhãn quan lịch sử thời đại và gieo vào lòng bạn đọc những suy nghĩ mà ông không tiện nói ra:

“Thời Tam Quốc, nước Thục và Ngô là liên minh thân thiết. Năm 222, hai vua bỗng giận hờn, kéo binh đánh nhau. Quân Thục đi ngang qua làng và giết chết một lính Ngô. Một cụ già nhỏ nước mắt xót thương người xấu số. Hôm sau, quân Ngô phản công giết chết một  lính Thục. Cụ già nọ cũng khóc thương. Thấy vậy, có cậu bé hỏi: “Tại sao ông khóc cho cả hai phe?”. Cụ già nói: “Những người lính này đều là nạn nhân của vua chúa, nên ta thương xót cho cả hai” (Khóc cho cả hai phe).

Quả thực, Phạm Ngọc Hiền không chọn phe, ông chọn con người. Những mẩu chuyện lấy cảm hứng từ lịch sử để “viết lại” hoặc “viết tới” luôn đặt nền tảng trên tinh thần nhân văn, đứng về phía dân thường. Dù có biểu hiện bất tín, hoài nghi kiểu hậu hiện đại thể hiện qua một số mẩu chuyện (Không có lập trường, Không nên ăn mừng chiến thắng, Không nên kỷ niệm chiến tranh, Làm sao biết được đúng sai, Mục đích chiến tranh,…) nhưng Phạm Ngọc Hiền vẫn đứng vững trên lập trường nhân đạo. Nhà văn tỏ niềm thương xót và thấu hiểu cho những đau thương mất mát mà con người trải qua trong chiến tranh. Phạm Ngọc Hiền viết nhiều về chiến tranh. Thông qua thảm trạng chiến tranh, ông phát hiện và phơi bày bản chất sâu xa của “Bàn cờ chính trị”:

“Có hai phe đánh nhau. Họ cử hai nhà ngoại giao tới bàn bạc, thương lượng. Trong lúc rảnh rỗi, hai nhà ngoại giao mang cờ ra đánh chơi. Bên nào cũng muốn giết binh tướng đối thủ để giành thắng lợi. Chơi xong, họ ném quân tốt vô hòm rồi bắt tay thắt chặt tình hữu nghị. Trong khi đó, cha mẹ, vợ con của đám quân tốt đau khổ không biết nắm xương cốt của người thân bị vứt ở xó nào”.

Vấn đề chiến tranh, sinh mạng con người được thể hiện trong nhiều mẩu chuyện: Bịa lý do khởi chiến, Canh giữ tù binh, Chàng ngốc và Tổ quốc, Cuộc chiến tranh ngẫu hứng, Đánh giặc giả trong xóm… Phạm Ngọc Hiền sử dụng chất giọng trào tiếu nhưng ẩn chứa đằng sau đó nỗi chua chát. Ông biểu thị ít nhiều thương cảm xót xa và nhẹ nhàng trầm tư về giá trị con người trong vần xoay của thời cuộc:

“Ngốc đang ôm vợ ngủ thì một ông quan chạy đến nói: “Tổ quốc đang lâm nguy, giặc ngoại xâm đã kéo đến. Anh phải ra chiến trường mau!”. Ngốc ngái ngủ hỏi lại: “Tôi sẽ xả thân để bảo vệ quyền lợi của ai đây?”. Quan nói: “Anh đúng là ngốc, chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của Tổ quốc chứ của ai nữa!”. Ngốc ngáp một cái rồi nói: “Chết cho Tổ quốc thì được, chứ tôi không chết để bảo vệ lợi ích của một nhúm người đâu nhé!”. Rồi Ngốc quay sang nói với vợ: “Em gói hành lý cho anh ra trận. Nếu anh không về nữa thì em nhớ cúng cơm đủ ba năm mới được lấy chồng khác đấy!” (Chàng Ngốc và Tổ quốc).

Nhiều mẩu chuyện của Phạm Ngọc Hiền vạch trần bản chất chiến tranh. Chiến tranh, phải chăng, về căn bản không đem lại hạnh phúc cho con người. Nhà văn không trực tiếp nói thẳng mà thường mượn lời nhân vật để khơi gợi suy tư bạn đọc. Trong Lởi kêu gọi chiến đấu, ta thấy vấn nạn nhân danh khiến con người có thể chết vì khái niệm:

“Thời Tam Quốc, chiến tranh liên miên. Mỗi lần xuất quân đánh Tào, Lưu Bị kêu gọi: “Hỡi ba quân tướng sĩ, chúng ta phải có bổn phận giải phóng nhân dân trung nguyên thoát khỏi ách thống trị của nhà Ngụy”. Nghe tin quân Thục tấn công, Tào Tháo cũng kêu gọi: “Hỡi ba quân tướng sĩ, chúng ta phải hết lòng chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc”. Dân nước Ngô nghe vậy thắc mắc: “Ai đúng? Ai sai?”. Có cụ già nói: “Trong chiến tranh, chỉ có thắng và thua chứ không có đúng và sai”.

2… đến chiêm nghiệm đời thường

Nhìn xưa rồi lại nhìn nay, Phạm Ngọc Hiền tiếp tục rung cảm, chiêm nghiệm với những gì đang và sẽ diễn ra xung quanh mình. Ý thức của con người thời đại không để tâm trí nhà văn bằng lòng với những yên ổn bề mặt của đời sống. Đưa ngòi bút nhìn vào đời sống, với cảm hứng thời sự xã hội, Phạm Ngọc Hiền phát hiện ra những thành kiến trì trệ trong tư duy con người. Đó là những rào cản, hạn chế con đường tiến bộ. Để thúc đẩy sự tiến bộ, có người sẽ công kích vào thành trì của sự lạc hậu. Nhưng việc đó có thể gây ra kháng cự. Cho nên, phải “Chữa bệnh bằng con đường vòng”:

“Hồi trước, ở miền núi, mỗi lần có dịch bệnh, người ta mời thầy cúng về đuổi ma tà. Có anh y tá từ tỉnh về phản đối cách chữa bệnh này nên bị cả làng vác gậy rượt đánh. Nhưng dân làng cúng bái mãi vẫn không hết bệnh. Anh y tá đề nghị kết hợp đuổi ma tà và uống thuốc Tây. Nhiều dân làng làm theo và hết bệnh. Sau này, anh truyền đạt kinh nghiệm cho các y tá trẻ: “Khi mọi người tin điều sai thì mình không nên vội nói điều đúng. Muốn thay đổi tư duy lạc hậu của họ, phải mềm mỏng đi theo con đường vòng”.

Sự lạc hậu thường có khuynh hướng cố định hóa và khiến cho người ta khó chấp nhận cái mới, cái khác. Mẩu chuyện về anh y tá miền núi không chỉ là chuyện chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số mà mỗi người chúng ta cũng nên suy ngẫm về chính những thành kiến trong tư niệm mình. Sức ì của định kiến tư niệm đang trói buộc khả năng con người. Từ đó, Phạm Ngọc Hiến khiến người đọc phản tư tinh thần. Cái nhìn nội quan, tự soi xét, quán chiếu lại chính mình là cái nhìn “minh triết”.

Như đã nói, truyện mini của Phạm Ngọc Hiền là những mẩu chuyện ngắn, mang tính ngụ ngôn. Do đó, nó thường chuyển tải một suy tư nào đó. Nhưng không phải lối răn dạy giáo hóa mà nó chỉ gợi ra những suy nghĩ cho riêng bản thân mỗi người. Đó là những nghĩ tưởng thầm kín mà chỉ có mình nói với mình. Những mẩu chuyện tạo ra cho mỗi người cuộc đối thoại riêng tư. Mình trò chuyện với mình, mình tự thức tỉnh mình. “Đại bàng trên non cao” nêu ra cách đối đãi của mỗi người đối với sự tầm thường của đời sống. Những vụn vặt nhỏ nhen, những tính cách thường tình ấu trĩ, dường như ai cũng có ít nhiều. Cánh chim đại bàng của Phạm Ngọc Hiền không khuyên, không bảo ai. Tự thân mỗi người nghĩ lại chính mình, tự thấy mình là đang ở bụi rậm hay trên cành cao, non cao. Tự biết mình giữa đời, thiết nghĩ, thế là minh triết rồi ! Triết gia Socrates thời cổ Hy Lạp chẳng đã từng bảo: hãy tự biết lấy mình ! Chỉ vì câu nói ấy mà các nhà hiện sinh chủ nghĩa Tây phương nhận Socrates làm sơ tổ của triết hiện sinh.

Từ nghĩa lý cuộc đời, chuyện mini Phạm Ngọc Hiền khiến bạn nghĩ lại danh hão với cuộc đời thực. Đời sống qua giọng kể tỉnh bơ của tác giả hiện lên thật nhẹ nhàng. Nó nhẹ nhàng bởi con người ủ mộng dệt mơ. Họ thường mơ đến cuộc sống được trọng vọng. Phần nhiều ai cũng thích thú với cái danh cao quý, to lớn. Nhưng lại thấy, danh với thực nhiều khi không đi liền với nhau. Từ vấn đề nhân danh đi tới giả danh, đời sống bị thu rút vào danh hão. Nhưng ngẫm lại, bạn sẽ thấy nhiều cái danh trên đời cũng hão huyền không kém, biết đâu lại có chính mình trong đó. Bạn có thể sẽ nhận ra: liệu có cái danh nào không hão huyền sao? Văn sĩ W.M. Thackeray từng ví von sự đời như “hội chợ phù hoa” để châm biếm xã hội Anh vào đầu thế kỷ XIX. Truyện “Danh thủ bóng đá làng” khiến người ta bụm miệng cười bởi cái hão huyền của mỹ danh đó. Phạm Ngọc Hiền mượn hình ảnh người vợ nghèo đánh thức anh chồng háo danh: “Tỉnh mộng đi anh, ra đồng lo cày cấy kiếm ăn, nhà hết gạo rồi”. Đó cũng là sự đánh thức đối với mỗi người. Liệu ta có đang ủ mộng dệt mơ giữa vòng quay đời sống nghiệt ngã!

Thế rồi, bằng cách tạo ra các tình cảnh trớ trêu, Phạm Ngọc Hiền trưng ra cho bạn đọc bộ mặt phi lý của đời sống. Câu chuyện xóa đói giảm nghèo, câu chuyện từ thiện, hẳn bạn đọc đã thấy quen quen với nhiều sự việc chiếm sóng dư luận suốt thời gian qua. Tưởng là chuyện đâu đâu, nhưng ngẫm lại chỉ là những chuyện vẫn đang xảy ra xung quanh mình. Nhưng hễ đụng chạm tới lại không khỏi tặc lưỡi cho tình cảnh ngổn ngang vẫn còn hiện diện đâu đó trong xã hội hiện nay:

“Có cặp vợ chồng khỏe mạnh sống bằng nghề đánh bài và nhậu nhẹt. Nhà họ ở đầu đường, thường được các tổ chức từ thiện đến tặng quà, chụp ảnh. Sau mỗi lần nhận quà từ thiện, họ tổ chức nhậu nhẹt hoành tráng và khoe mình là đại gia. Cuối đường, có cặp vợ chồng làm lụng siêng năng nhưng gặp nghịch cảnh: chồng bị tai nạn lao động nằm liệt giường, vợ bị bệnh nặng không có tiền mua thuốc. Đàn con nheo nhóc phải nghỉ học để đi làm nuôi cha mẹ. Thế mà chẳng thấy tổ chức từ thiện nào ngó ngàng đến. Một năm nọ, ông trưởng thôn cắt khoản tiền hỗ trợ của anh đại gia để chuyển sang hỗ trợ cho anh khó khăn. Anh đại gia vác đơn đi kiện. Kết quả, ông trưởng thôn bị cách chức vì dám cắt khoản tiền xóa đói của “hộ nghèo” (Đại gia hộ nghèo).

Hàng loạt tình thế trớ trêu được nhà văn trưng ra. Nhà văn vạch trần bộ mặt “Đạo đức giả” của những người được trọng vọng nhưng mang bản chất xấu xa và có phần tàn nhẫn. Phải chăng vậy, họ cần có những “tấm áo” mỹ miều che đậy:

“Có một người đi xe chậm bị một kẻ đi xe ẩu tông vô nên bị thương nằm đau đớn giữa đường. Một ông viên chức cưỡi xe con chạy qua nhưng không cứu vì bận đi thuyết giảng đạo đức. Một anh lái taxi chạy vù qua nhưng không cứu vì lo đi đón khách kiếm tiền. Cuối cùng, chỉ có bác xe ôm và chị bán vé số đưa nạn nhân tới nhà thương. Họ còn phải bỏ tiền, bỏ công việc của mình để lo cho người lạ trong thời gian đầu. Bỗng chị vé số chỉ tay vô tivi: “Coi kìa, ai như ông viên chức đi ô tô hồi sáng”. Bác xe ôm: “Có lẽ vậy”. Trên tivi, ông viên chức hùng hồn phát biểu: “Chúng ta cần phải sống có đạo đức, phải yêu thương con người…”.

Phạm Ngọc Hiền đặt nhân vật vào các tình hưống. Cứ thế, nhân vật tự lột mặt nạ lẫn nhau. Bạn đọc tưởng như có những kẻ bị tâm thần phân liệt, có chí ít hai nhân cách, hai tâm hồn. Một trong hai cái phải có cái giả mạo. Nhưng người ta cũng liền nhận ra, nhân cách giả được sử dụng thường xuyên để sống với tha nhân giữa cuộc đời. Một người chí ít có ba khuôn mặt. Khuôn mặt để sống với người lạ. Khuôn mặt để sống với người quen. Và khuôn mặt để sống với chính mình! Nhưng khuôn mặt để sống với chính mình bị dồn nén, cất giấu đến mức chìm lặng xuống tầng sâu vô thức.

Trong cuộc sống đời thường, con người thường bị chi phối ràng buộc bởi các quy phạm xã hội. Dần dà, quy phạm xã hội trở thành định kiến. Không thể phủ nhận, chúng là một phần của văn hóa xã hội. Bất kể văn hóa xã hội nào đều tồn tại những định kiến khó thay đổi. Nó chi phối đời sống và cách ra quyết định của mỗi người, nó chi phối cách đánh giá nhìn nhận của con người. Lắm khi nó bóp méo nhận thức con người. Phạm Ngọc Hiền thường tạo ra các tình huống để các định kiến như thế tự lộ diện:

“Nhà nọ có rất nhiều đám giỗ trong năm. Sắp tới ngày làm đám giỗ thứ 10, vợ chồng cãi nhau. Vợ đề nghị: “Các đám giỗ trước ta đã cúng nhiều mâm rồi. Lần này chỉ nên cúng một mâm là được. Người chết hiện về chỉ ăn một mâm là cùng chứ đâu có ăn nhiều được. Ta nên dành tiền để du lịch, đi chơi cho biết đó biết đây. Sống mà không biết hưởng thụ thì chẳng lẽ chờ đến chết mới hưởng thụ”. Chồng cãi: “Ta phải cúng 10 mâm mới mời đủ họ hàng, làng trên xóm dưới. Còn nếu ta không mời đám giỗ thì dòng họ từ bỏ ta, xóm làng coi khinh ta. Làm đám giỗ to thì được mọi người khen, đi du lịch thì bị mọi người ghét. Em chọn cái nào?” (Đám giỗ nên làm mấy mâm).

Cuối cùng, đám giỗ để cúng người sống chứ không phải người chết. Trong các vấn đề thế sự, Phạm Ngọc Hiền cho thấy một tinh thần tri thức, luôn suy tư, băn khoăn và nhạy cảm trước biến tướng ngược ngạo của đời sống.

3… và sự cộng hưởng với thế giới ngụ ngôn về loài vật

Chiếm số lượng lớn trong Chuyện làng trên mạng là các nhân vật động vật: Chiến công của rắn, Chim trong lồng, Số phận hai con chó, Sư tử và voi, Vẹt và công… Nhà văn có xu hướng mượn chuyện loài vật để nói về con người. Tác giả dùng thủ pháp nhân hóa, tạo ra các mã ký hiệu. Và bạn đọc trở thành bảng mã giải nghĩa. “Châu chấu và bọ ngựa” là mã ký hiệu, còn ứng mã giải nghĩa như thế nào, tùy thuộc bạn đọc:

“Một anh chàng ở thành phố về nông thôn chơi. Anh ta ra đồng bắt được một con châu chấu và một con bọ ngựa. Anh nghĩ rằng chúng là anh em với nhau nên nhốt chung một lồng. Sáng ra, thấy chỉ còn con bọ ngựa, không thấy châu chấu đâu. Chiếc lồng vẫn còn nguyên. Anh hỏi mấy đứa trẻ trong xóm: “Ai đã vô lồng bắt con châu chấu?”. Chúng nó tinh nghịch trả lời: “Anh hỏi con bọ ngựa đấy!”.

Câu chuyện Chim trong lồng lại gợi ra cho mỗi người suy nghĩ riêng. Câu chuyện là cái cớ để mỗi người đưa ra chọn lựa cho bản thân mình. Đó chỉ là “nghiệm” để mỗi người tự giải phương trình của bản thân:

“Một con chim quen sống trong lồng son và luôn tranh đấu cho tự do. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của thế giới tự do, nó cũng thoát được ra khỏi lồng. Tuy nhiên, nó không quen tự kiếm sống nên bị cái đói hành hạ. Nó lại chấp nhận chui vô lồng với lập luận: “Tự do làm gì với cái bao tử đói!”. Chủ nhà lại cho nó ăn. Một con chim ngoài trời phỏng vấn: “Những viên thức ăn lạ mà cậu đang ăn gọi là gì vậy?”. Chim trong lồng nói: “Dĩ nhiên là tớ biết, nhưng còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của ông chủ thì mới trả lời được”.

Nhiều truyện có sức gợi liên tưởng rộng rãi. Tùy theo nhãn quan của mỗi bạn đọc, câu chuyện sẽ nảy sinh các ý nghĩa khác nhau. Câu chuyện thú vị bởi nó chỉ là phân số tối giản mà hễ khai triển ra, liền sẽ thu được rất nhiều kết quả. Đây chính là tính chất dồn nén, hàm súc và đa nghĩa của truyện mini. Lắm khi, Phạm Ngọc Hiền gợi cho bạn đọc suy ngẫm tương quan người – thú.

“Một con cọp bị trâu rừng húc bị thương. Từ ngày bị thọt chân, cọp khó tìm được thức ăn. Họ hàng của nó ái ngại nói: “Làm sao bác có thể sống được khi không thể chạy nhanh để rượt bắt nai, thỏ?”. Cọp thọt chân buồn rầu nói: “Ta còn hy vọng cuối cùng là có thể bắt được con người vì loài này chạy chậm” (Cọp thọt chân ăn gì).

Qua nhãn quan tiến hóa luận, bạn đọc sẽ nghĩ như thế nào về lời nói của cọp. Vậy có phải khi con người tách mình khỏi giới động vật (hoặc tự cho mình là động vật bậc cao), thì họ đã thoái hóa chăng! Liệu có phải Phạm Ngọc Hiền đang giải trừ quan niệm “con người trung tâm” trong mối tương quan với sinh giới? Phạm Ngọc Hiền chẳng khi nào trả lời dứt khoát cho những ngụ ngôn loài vật. Tập truyện mini Chuyện làng trên mạng toàn là những phương trình chờ đợi diễn giải.

4. Vài nét đặc sắc nghệ thuật

Để chuyển tải các thông điệp đa dạng về cuộc sống, tác giả sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Truyện mini của Phạm Ngọc Hiền làm cho ta liên tưởng đến truyện ngụ ngôn dân gian. Nếu truyện ngụ ngôn dân gian nhằm chuyển tải ý nghĩa luân lý hay quan niệm nhân sinh thì truyện ngụ ngôn của Phạm Ngọc Hiền lại ít nhiều có tính cách thời sự xã hội, không nặng về tính giáo hóa mà chỉ gợi ra băn khoăn, thắc mắc. Chẳng hạn, quan niệm về bệnh dịch trong Canh giữ tù binh, lối sống vô cảm trong Từ khi có mạng xã hội, vấn đề cải cách giáo dục trong Tiền nhậu và sách giáo khoa, tranh cử tổng thống Mỹ trong Ủng hộ Trump hay Biden… Chính vì vậy, Chuyện làng trên mạng không phải lời răn dạy hay rao giảng đạo đức mà là những chia sẻ vừa gần gũi vừa thâm thúy về mọi vấn đề cuộc sống hiện đại. Nhiều truyện gợi lên những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống đời thường. Nhưng cũng xa cách bởi tác giả tạo ra màn sương “siêu hư cấu”. Tức là hư cấu lại sự hư cấu của tác giả khác. Đọc Bộ xương đạo đức, ta thấy nhân vật vừa quen vừa lạ, vừa gần vừa xa, vừa cụ thể vừa khái quát:

“Trong truyện ngắn Người trong bao, có nhân vật Belikov được lấy nguyên mẫu từ một con người có thật ở quê hương nhà văn Chekhov. Ở ngoài đời, Belikov là một công chức rất cẩn thận. Khi bạn bè hỏi ý kiến về nạn dịch bệnh hiện thời, Belikov nói: “Đây là vấn đề nhạy cảm, dễ đụng chạm, không nên bàn làm gì”. Đến lúc chui vô quan tài, Belikov vẫn cố gắng nằm ngay ngắn để không bị ai đánh giá xấu về mình. Vài năm sau, người ta bốc tất cả các ngôi mộ để lấy đất xây dựng công trình. Khi mở các quan tài, công nhân xây dựng thấy bộ xương nào cũng na ná như nhau, không phân biệt được tên họ, chức danh, đạo đức của từng bộ xương. Có người làng góp ý: “Bộ xương nào nằm ngay ngắn nhất thì đó là của Belikov”.

Chiếm số lượng đáng kể trong tập truyện là những mẩu chuyện nhỏ được viết lại dựa trên các danh tác. Chẳng hạn như truyện Bộ xương đạo đức được phỏng tác theo Người trong bao của Chekhov. Truyện Ai cho tao làm phó lý? và Chí Phèo quảng cáo văn Nam Cao được tái kiến giải dựa trên truyện Chí Phèo của Nam Cao. Những truyện theo lối này cho thấy tính chất liên văn bản rất rõ ràng. Dựa trên những gì đã biết về tác phẩm gốc, Phạm Ngọc Hiền khiến bạn đọc nhìn nhận lại / nhìn nhận khác đi nội dung đã biết. Những thay đổi nhận thức này tương thích với hiện thực đời sống hôm nay. Do đó, câu chuyện tuy ngắn nhưng có thể gợi ra rất nhiều suy ngẫm.

Về hình thức, Chuyện làng trên mạng gồm những truyện cực ngắn, rất ít chi tiết thừa. Nó tích hợp nhiều thủ pháp quen thuộc của truyện ngụ ngôn (như ngụ ngôn Aesop, tản văn chư tử tiên Tần, truyện ngắn trong lòng bàn tay của Nhật Bản…). Ở đó, có sự cô đọng, hàm súc của thơ, có yếu tố bất ngờ của kịch tình huống. Sự kiện được dồn nén bằng lối viết rút gọn, ẩn dụ. Khi tới một độ căng nhất định, chúng bùng nổ. Nếu không bùng nổ thì gây ám ảnh bạn đọc vì những câu hỏi đặt ra chưa được giải quyết.

Phần nhiều truyện của Phạm Ngọc Hiền mang giọng điệu “tỉnh rụi”, “dửng dưng” đến nghiệt ngã. Nhà văn tỏ ra “tỉnh bơ” với thế sự trớ trêu. Phải chăng vì sự trớ trêu thế sự lại đúng là bản chất thế sự! Nhưng đằng sau giọng tỉnh bơ, dửng dưng, kỳ thực ẩn chứa thái độ chiêm nghiệm, kín đáo của nhà văn đối với các vấn đề đời sống. Tác giả mang tâm tư thổn thức với những vấn đề nhức nhối trong xã hội và cả trong linh hồn mình. Đó là khi ông đối diện với chính mình và đối diện với cuộc sống tha nhân.

Bên cạnh chất giọng dửng dưng, nhà văn cũng thường xuyên sử dụng chất giọng giễu nhại (ít nhiều tương đồng với lối viết hậu hiện đại). Giễu nhại không hoàn toàn là thái độ nghệ thuật mà còn biểu thị nhận thức về thế giới. Nhưng nếu cho rằng Phạm Ngọc Hiền hoài nghi triệt để … cũng không hẳn ! Cơ hồ, tác giả tỏ ra “cảnh giác” với các “giả hiệu” của thế giới che đậy. Và những mẩu chuyện làng này nhằm mục đích vạch trần những bản chất tàng ẩn đằng sau đó, tháo gỡ các mảng bám che đậy bên ngoài. Và để làm được điều đó, ông sử dụng cách thức giễu nhại. Những giễu nhại này sâu sắc nhưng không đến mức sâu cay và ác nghiệt. Truyện cực ngắn trong tập này không có vị cay xé lưỡi mà là vị cay đắng! Bạn đọc hẳn sẽ “tức cười” với các tình huống nhân danh và giả danh; nhưng sau đó sẽ thấy đầu lưỡi tê rân vị cay và cái hậu đắng bứ ở cổ họng. Bởi, đọng lại là một vùng áp thấp trong tâm tưởng. Tính chất có vấn đề của cuộc sống khiến người ta không thể không bồi hồi, ngẫm ngợi và rồi chìm vào lặng lẽ. Đó không phải tâm tư để dễ dàng sẻ chia, mà là những tâm tư dành riêng cho chính mình.

Chẳng phải người ta vẫn nói: Trò đời! Và sống cũng chỉ là “chơi thôi mà”! Johan Huizinga nói cõi trần ai khoai củ này “nảy sinh trong trò chơi, như là trò chơi và chưa bao giờ rời bỏ nó”. Cách thế viết là cách thế chơi và cách thế chơi vì thế là cách thế thẩm mỹ. Phạm Ngọc Hiền chơi rỡn với sự viết. Chơi chính là sáng tạo, chơi chính là cách thế để giải phóng, vươn đến tự do. Bằng cách đó, nhà văn lật trở những khái niệm. Ông lật trở, còn sự chọn lựa thuộc về người đọc. Ông tự do với sự lật trở, người đọc tự do với sự chọn lựa. Ranh giới của các khái niệm mờ dần:

“Có tên cướp từng làm tất cả mọi chuyện xấu xa nhưng sống khỏe và thọ nhất vùng. Một thầy tu khuyên hắn: “Anh nên cải tà quy chính để có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Tên cướp nói: “Ông không thấy bao nhiêu người có đạo đều sống nghèo và chết yểu đó sao”. Thầy tu: “Họ sống tốt nên được thần thánh gọi về trời. Anh xấu xa nên thần thánh không cho vô cõi thiên đường”. Tên cướp: “Nhưng sao họ không gọi tôi xuống địa ngục?”. Thầy tu: “Có thể họ muốn đày anh ở địa ngục trần gian này thật lâu, rồi sau đó tiếp tục đày ở âm phủ. Như vậy, thời gian anh bị đày nhiều hơn những người khác” (Tên cướp sống dai).

Thiện – ác, thiên đường – địa ngục, lưu đày – giải thoát… những cặp phạm trù nhị nguyên rốt cuộc chỉ có thể phản ánh nhãn quan của người quan sát. Những cặp phạm trù này dường như chỉ đang cố che đậy thêm bản chất đích thực của đời sống. Nhưng với Phạm Ngọc Hiền, sự chơi không phải biểu diễn của “ý chí quyền lực”, không phải kiểu chơi truy hoan của thần rượu nho Dionysos; mà sự chơi kiểu nhỏ nhẻ cà khịa. Phạm Ngọc Hiền không đại ngôn, ông chỉ “tiểu thuyết”!

Tạm kết

Truyện mini của Phạm Ngọc Hiền có dung lượng cực ngắn nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đây chỉ là những lát cắt rất nhỏ của đời sống nhưng đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa người với người. Mỗi truyện chỉ là “cái cớ” hay một “mã”, một “nghiệm” để ứng vào phương trình mỗi người, gieo vào lòng người những suy nghĩ nối tiếp khai triển. Sự lôi cuốn, thú vị và giá trị của tập truyện mini này chính là ở đó.

Bởi dung lượng ngắn, cần hàm súc cô đọng nên văn bản truyện mini chỉ tập trung vào đối tượng kể. Còn hình tượng người kể chuyện chỉ gián tiếp hiện lên qua hành động kể. Qua đó, bạn đọc ít nhiều cũng nhận thấy một con người nhỏ nhẻ, lặng lẽ và từ tốn, đang chậm rãi kể những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt. Nhưng đằng sau những mẩu chuyện bâng quơ này, bạn nhận ra một tâm tư luôn thao thức trước các gút mắc, trớ trêu của sự đời mà lắm khi, không thể nào phân bua rạch ròi, dứt khoát.

Chuyện làng trên mạng ví như viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ, không phát tán âm thanh ồn ào. Song, có sức lan tỏa gây chấn động các lớp nước trong lòng hồ, rung từng cơn khiến người đọc cồn cào gặm nhấm những chiêm nghiệm cuộc đời.

Trần Bảo Định

Thông tin về tác phẩm: Chuyện làng trên mạng


Phamngochien.com - 02:35 - 21/01/2024 - Bài của văn nghệ sĩ          

Gửi bình luận