Góc suy ngẫm của Phạm Ngọc Hiền năm 2015 (phần 2)

Tiếp theo phần 1

54. Thấy cháu gái nằng nặc đòi lấy chồng Hàn Quốc, bà ngoại nói: Hồi tao còn con gái, mấy anh lính Đại Hàn theo tán tỉnh hoài nhưng tao đâu có thèm lấy. Xứ nó nghèo hơn xứ mình, theo chồng qua bển thì biết lấy gì mà ăn ! (PNH)
55. Nhắc đến vụ thảm sát ở Bình Phước, tôi chợt nhớ đến những vụ trả thù từng được học trong SGK: "Máu rơi thịt nát tan tành / Ai ai trông thấy hồn kinh khiếp rời" (Kiều báo ân báo oán) và "Hắn rút dao ra, xông vào (...) giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi" (Chí Phèo). Dẫu rằng tính chất các vụ việc là khác nhau nhưng đều có mùi bạo lực. (PNH)
56. Ở Sài Gòn, nhiều công ty trả lương cho nhân viên theo hình thức bỏ tiền vào bì thư dán kín, lương của ai nấy biết, có nói thật cũng không ai tin. Nhưng về quê, khi thấy anh A nổ 20 triệu / tháng thì anh B cũng nâng cấp lên 30 triệu để dân làng phong thánh cho mình. (PNH)
57. Trong chiến tranh hiện nay, Trung Quốc sẽ không dám dùng chiến thuật "biển người" như trước đây. Vì mỗi gia đình chỉ có một con, nếu chết trận thì lấy ai nối dõi tông đường ! (PNH)
58. Chủ nhà mua hai con gà trống nhốt chung. Suốt đêm, chúng lo cắn xé nhau để giành độc quyền làm chủ cái lồng. Cuộc chiến chỉ kết thúc vào sáng hôm sau, khi cả hai cùng lên bàn thờ nằm (PNH)
59. Ban ngày ăn no, buổi tối ngủ ngon, sáng mai khỏe khoắn, những tia nắng nhấp nháy đón chào bạn trên đường đi làm, đó là một ngày hạnh phúc (PNH)
60. Tôi vào văn phòng giám đốc một công ty ở Sài Gòn và thấy có bảng hiệu như thế này: "Nếu doanh thu thấp thì lỗi không phải do nhân viên kém mà do quản lý tồi". Nếu tất cả các công ty nhà nước quán triệt tinh thần này thì có lẽ Việt Nam đã hóa rồng từ lâu... (PNH)
61. Lúc trẻ mà thường sai lầm thì về già sẽ ít sai lầm, lúc trẻ mà ít sai lầm thì về già sẽ thường sai lầm. Vậy bạn chọn sai lầm lúc trẻ hay lúc già ? (PNH)
62. Ngọc Hoàng nói với chư tiên: Trên thế gian này, ta thương nhất là dân tộc Việt Nam, suốt một thế kỷ nay, họ không có được một ngày bình yên. Hết chiến tranh xe tăng thì tới chiến tranh xe máy. Hết lo chuyện đói nghèo thì lo bảo vệ biên giới. Biết đến bao giờ xứ ấy được thanh bình ! (PNH)
63. Thấy một cô gái đi lấy chồng, các cụ già bảo: "Nó lấy chồng để rồi lo làm ăn". Nhà khoa học thì bảo: "Trai gái phải lấy nhau để di trì nòi giống". Theo bạn, vì lý do gì mà cô gái phải bỏ cha mẹ, xóm làng để chạy sang xứ lạ sống trong nhà của một người đàn ông khác ? (PNH)
64. Loài kiến năn nỉ xin thượng đế hãy tiêu diệt loài voi đi, vì khi đứng bên cạnh con voi thì con kiến không thành kẻ vĩ đại được (PNH)
65. Có ông viện sĩ già băn khoăn: "Nếu không được vào đại học thì những thí sinh thi rớt sẽ đi về đâu ?". Câu này tương đương với câu: "Nếu không được làm viện sĩ thì 90 triệu dân Việt Nam sẽ đi về đâu ?" (PNH)
66. Đầu thế chiến II, Nhật "giải phóng" các nước Đông Á thoát khỏi ách thống trị của thực dân châu Âu. Cuối thế chiến II, Mỹ lại "giải phóng" các nước Đông Á thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật. Và suốt mấy mươi năm sau đó, từ "giải phóng" vang lừng như pháo nổ khắp các nước: Bắc Hàn - Nam Hàn, Bắc Việt - Nam Việt, Trung Quốc - Đài Loan, Nê pan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Philíppin... (PNH)
67. Tôi thấy nhiều người già thường khoe rằng họ đã từng học Quốc văn giáo khoa thư. Không biết sau này về già, tôi có khoe những bộ SGK mà mình đã từng học những năm 1980 hay không. (PNH)
68. Cách đây 70 năm, miền Bắc lâm vào nạn đói trầm trọng, khiến 2 triệu người chết. Tôi tự hỏi, lúc bấy giờ, vua Bảo Đại đi đâu, săn bắn ở Tây Nguyên hay ngủ gật trong cung điện ? Nếu ông có tài lãnh đạo thì liệu đất nước Việt Nam có lâm vào cuộc chiến tranh 30 năm hay không ? (PNH)
69. Theo bạn, ở Việt Nam, thời gian sau 1986 nên gọi là thời kỳ Đổi mới hay Phục hưng ? (PNH)
70. Nhiều nhà khoa học phương Tây chỉ nghiên cứu văn hóa Trung Quốc mà không thèm nghiên cứu văn hóa Việt Nam vì cho rằng, Việt Nam chỉ là cái bóng của Trung Quốc. Điều này giống như mặt trời ở Bắc cực chiếu vào hình nước Trung và soi bóng xuống nước Nam. Mỗi hình chỉ có một bóng và chỉ một mà thôi (PNH)
71. Báo Tuổi trẻ vừa kỷ niệm 40 năm thành lập. Ngay từ khi mới chào đời, báo đã không cần đến bầu sữa Nhà nước. Vậy mà nó vẫn trưởng thành và bước sang tuổi trung niên trước ánh mắt ngạc nhiên của các tờ báo lão thành: không có sữa bao cấp thì làm sao sống nổi ? (PNH)
72. Trong ngày hội khai giảng năm học mới, các trường phải làm thủ tục khai lễ dài tới 30 phút với các công đoạn:"Kính thưa...","Xin trân trọng giới thiệu...","Xin mời...". Điều này gợi nhớ đến âm hưởng thời phong kiến: "Một lời giới thiệu giữa trường, bằng một phường vợ khen xó bếp". (PNH)
73. Chúng ta cần phải xóa bỏ nạn phân biệt đẳng cấp con người dựa vào thành tích học vấn và lý lịch dòng họ. Nếu không, sẽ tạo ra bất công xã hội và mầm móng bạo lực (PNH)
74. Khi một em bé chào đời, ông nội nói: dòng họ nhà ta sẽ đông vui hơn. Bà ngoại nói: nuôi nó vất vả lắm đấy ! Nhà sư nói: cầu cho nó được bình an trong bể trầm luân ! Vị tướng nói: quân ta sẽ có thêm một người lính xả thân ngoài chiến trường (PNH)
75. Để bình chọn danh hiệu tiểu thương giỏi, ban quản lý chợ đã tập hợp các hàng cá và hàng thịt lại để cho các bà bỏ phiếu tín nhiệm lẫn nhau. Mời các bạn tham gia dự đoán kết quả bỏ phiếu. (PNH)
76. Con chim ngoài trời phỏng vấn con chim trong lồng: những viên thức ăn lạ mà cậu đang ăn gọi là gì vậy ? Chim trong lồng nói: dĩ nhiên là tớ biết, nhưng còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của ông chủ thì mới trả lời được (PNH)
77. Thấy hoàng tử thứ 9 khóc trước quảng trường, ông Bụt hỏi: "Vì sao con khóc ?". Hoàng tử nói: "Con hổng được làm vua nên bị thất nghiệp". Bụt nói: "Sao con hổng làm trái nghề ? Nếu thực sự giỏi thì hổng sợ gì hổng có việc làm !". Hoàng tử nói: "Nhưng ngoài nghề làm vua, con hổng biết làm nghề gì khác, hu hu..." (PNH)
78. Má biểu con nghỉ học một buổi để về quê đi thăm ông ngoại đang bịnh. Bé khóc lóc không chịu nghỉ học vì sợ bị cô giáo phạt. Ba chở con đi học nhưng bị hư xe. Bé khóc thảm thiết vì đã trễ giờ học, sợ bảo vệ không cho vào trường. Học sinh cưỡi xe đạp đi 10 km, tới lớp trễ bị tát tai, nằm hít đất hoặc quỳ úp mặt vào tường... Biết đến bao giờ thì cơ chế phát xít bị đẩy lùi ra khỏi nhà trường phổ thông ở Việt Nam ? (PNH)
79. Các chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn đang đối phó với nạn nhân viên nhảy việc, chạy từ công ty này sang công ty khác. Còn ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, dù sống chết thế nào, nhân viên vẫn phải bám vào công ty. Thậm chí, khi được vào đẳng cấp biên chế nhà nước, người ta xem như đã đạt được mục tiêu lớn nhất của đời người. (PNH)
80. Thưa ông, bọn trẻ xóm này
60 năm trước bây giờ ở đâu ?
(Hỏi ông lão 70 - thơ Phạm Ngọc Hiền)
81. Một cụ đồ Nho khuyên: với nhà văn Vũ Trọng Phụng, phải nói năng cẩn thận, không nên mổ xẻ cái xấu xã hội; với nhà thơ Xuân Diệu, phải viết câu chuẩn mực, dễ hiểu, đừng sa đà vào chuyện yêu đương; với nhà phê bình Hoài Thanh, đừng gây cãi vã, nên viết sao cho ai cũng vừa lòng (PNH)
82. Chỉ trong vòng 9 ngày (28/9 đến 6/10/2015), trong làng văn học Việt, có hai nhà văn lớn đã ra đi. Võ Phiến rủ Nhật Tuấn "Về một xóm quê". Nhật Tuấn nói: tớ chỉ thích "Đi về nơi hoang dã" rồi ông vác cuốc vào rừng đào chữ. (PNH)
83. Theo bạn, giữa trí thức và nông dân, ai có khả năng mắc bệnh vô cảm nhiều hơn ? (PNH)
84. Một nhà Nho lục tìm mãi trong đống thánh thư cổ đại, không thấy Khổng Tử nói gì về internet nên ông kêu gọi tẩy chay internet vì cho đó là trò phù thủy của dân da trắng man di mọi rợ (PNH)
85. Chính phủ nào quản lý kinh tế kém cỏi, không giải quyết được việc làm cho người dân thì họ sẽ đẻ ra chính sách kế hoạch hóa gia đình và lùa dân thành thị đi khai hoang vùng kinh tế mới (PNH)
86. Một ông vua vi hành hỏi một lão nông đang bắt sâu bọ:"Ông có biết ai đang làm vua nước ta không ?" Lão nông nói:"Không biết, nhưng mà biết để làm gì ? Tôi thấy vua chúa thời nào cũng na ná như nhau, đều lo cai trị dân; còn dân thì lo đám ruộng nhà mình. Thời ông nội và cha tôi đến đời tôi chỉ lo nhổ cỏ, diệt sâu cho lúa là đủ, chớ lo chuyện nhân sự quốc gia làm gì cho rách khố" (PNH)
87. Nếu bạn không rộng lượng chấp nhận mọi sự khác biệt thì đừng nên bước vào sân chơi facebook (PNH)
88. Nhân việc làng văn cãi nhau về nạn đạo thơ, tôi nhận thấy rằng, lâu nay, người Việt chỉ lo tranh cãi về sự khác nhau, bây giờ lại tranh cãi về sự giống nhau (PNH)
89. Vào mùa gặt thời bao cấp, nhiều xã viên cố ý làm rơi vãi lúa khắp nơi. Một con chim sẻ đói phân vân: nếu ta không ăn thóc này thì mắc tội lãng phí, nếu ăn vào thì mắc tội tham ô, biết làm sao đây ? (PNH)
90. Nếu được nhân dân trao cho nghìn tỷ, tôi sẽ không xây dựng tượng đài nào cả mà gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi để phát lương cho những người bị tàn tật vì chiến tranh (PNH)
91. Đám ruộng chỉ là nơi để ta cày cấy kiếm ăn chứ không phải là nơi để ta hưởng sự êm ấm thanh nhàn, có đúng thế không ? (PNH)
92. Con chim trong lồng có nhu cầu xem internet nhiều hơn con chim bay ở ngoài trời (PNH)
93. Đối với việc tìm mộ liệt sĩ, tôi chỉ tin những nhà ngoại cảm khoác áo khoa học - đạo đức, không tin những nhà ngoại cảm khoác áo kinh tế - chính trị (PNH)
94. Trong một xã hội dân chủ, tất cả mọi nghề nghiệp (hợp pháp) đều bình đẳng như nhau, không có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Bộ áo nghề nghiệp không làm nên bản chất con người (PNH)
95. Ở nước ngoài, khi bị thất nghiệp thì người ta đi du lịch. Còn ở Việt Nam, khi bị thất nghiệp thì người ta làm gì ? (PNH)
96. Nhiều người quen nghĩ rằng lịch sử (LS) là một tên gọi khác của chính trị. Thực ra, LS là bộ môn chung của nhiều ngành: LS toán học, LS vạn vật, LS nghệ thuật, LS bóng đá, LS tiền tệ, LS hãng Honda, tiểu sử diễn viên điện ảnh Sác-lô... Bởi vậy, tích hợp môn LS vào các ngành khác sẽ làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh (PNH)
97. Có người khoe là mình trong sạch vì không xem internet, tôi thì khoe mình là người tự do vì không xem tivi. Nếu chỉ được chọn một trong hai thứ: internet và tivi thì bạn chọn thứ nào ? (PNH)
98. Cách đây hơn 20 năm, tôi chỉ chứng kiến các học sinh nam đánh nhau. Còn bây giờ, học sinh nữ đánh nhau còn dữ dội hơn học sinh nam. Có một sự tiến bộ nào đó chăng ? (PNH)
99. Ngày xưa, khi có một người qua đời, dân làng mang dao tới mổ thịt người chết để nấu nướng ăn uống linh đình. Sau này, có người sáng kiến mổ heo đãi dân làng để xác mẹ mình còn nguyên vẹn. Hiện nay, nhiều làng quê Việt Nam vẫn còn tục ăn uống linh đình trong đám tang. Đây có phải là dấu vết của thời dã man không ? (PNH)
100. Vua Lê Uy Mục đang ngủ thì một viên quan gọi điện thoại: "À lố, muôn tâu bệ hạ, xã hội ta đang rối loạn, hàng loạt vụ thảm sát đã diễn ra". Vua ngái ngủ trả lời: "Chuyện đó không quan trọng, hãy để ta say giấc mộng chiến thắng quân Minh" (PNH)
101. Nhân việc nhiều người đề nghị xóa sạch tên đường ở Sài Gòn để đặt lại có hệ thống hợp lý hơn, xin hỏi các bạn: nếu đặt lại tên đường, nên đặt theo số thứ tự hay theo tên các danh nhân ? (PNH)
102. Trẻ em mầm non Nam Trung Bộ đang đứng trước một sự lựa chọn mang tính lịch sử: ở nhà, các em kêu người sanh ra mình là "ba má". Nhưng tới trường, cô giáo bắt phải kêu là "bố mẹ". Con cò be bé, biết nghe người nào ? (PNH)
103. Người Việt Nam chỉ giỏi bắt chước người Trung Quốc. Ngày xưa, thấy người Trung Quốc tốt thì người Việt Nam cũng bắt chước tốt theo. Sau năm 1950, thấy người Trung Quốc xấu thì người Việt Nam cũng bắt chước xấu theo (PNH)
104. Nhiều bà mẹ quan niệm rằng, giá trị của con mình nằm ở chỗ học giỏi và thành đạt. Thực ra, giá trị của người con nằm ở chỗ sức khỏe và hiếu nghĩa (PNH)
105. Tôi thích xem cảnh con cọp săn giết con nai để ăn đầy bao tử hơn là xem cảnh con người săn giết con người chỉ để làm đầy những túi huy chương (PNH)
106. Nếu kiếp sau được hóa thân thành con vật thì bạn chọn đầu thai vào con vật nào ? (PNH)

Mời xem tiếp góc suy ngẫm năm 2016


Phamngochien.com - 08:10 - 13/03/2016 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận