Đọc sách Cảm xúc trữ tình khi có hẹn với thanh xuân của Cao Vỹ Nhánh

 

 

CẢM XÚC TRỮ TÌNH KHI CÓ HẸN VỚI THANH XUÂN

Phạm Ngọc Hiền

Cao Vỹ Nhánh có duyên với thể loại tùy bút, tản văn ngay từ những tác phẩm đầu tay. Trên hai mươi năm cầm bút, anh vẫn đều đặn sáng tác những tản văn trữ tình, giọng điệu giống như thơ văn xuôi. Anh đã tập hợp một số tác phẩm trong chặng đầu sáng tác của mình để in thành tập Có hẹn với thanh xuân. Toàn tập tản văn chân chất phong vị trữ tình.

Trước hết, cảm xúc trữ tình thể hiện sâu sắc trong những tản văn viết về đề tài quê hương và gia đình. Mở đầu tập sách là bài Mẹ và dòng sông, như để lý giải nguồn cơn cảm xúc: “Dòng sông Ba bao dung và rộng lượng cứ thao thiết chảy cuốn trôi đi bao hoài niệm tuổi thơ cùng những gì cay đắng nhất của đời người. Cha tôi bỏ đi; mẹ tôi, người con gái thị thành chưa một lần dãi nắng dầm sương, phải ngày lại ngày chèo đò đưa khách sang sông. Tôi đã lớn lên từ những chuyến đò nhọc nhằn của mẹ, từ những lời ru thấm đẫm ánh trăng”. Cảm xúc nhớ thương, thương nhớ quê nhà cứ quanh quẩn bám riết nhân vật trữ tình từ tuổi thơ đến trưởng thành. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ở quê đều được tái hiện bằng những hình ảnh giàu cảm xúc. Trong Nỗi nhớ mùa đông, có người mẹ nhìn gió lạnh mà thương cảm người nghèo: “Mùa đông, cây bàng cũng khổ như người nghèo không có áo ấm”. Cảm xúc dâng trào khi “tôi” kể về nỗi Thương nhớ tết xưa ở làng quê Tuy Hòa. Khi Đón giêng hai, tác giả “thèm được nghe lại chất giọng đặc sệt miền Trung của má”. Phương ngữ Nam Trung Bộ cũng được thể hiện qua lời dặn dò tha thiết của bà mẹ với con gái trong Con tàu và sân ga. Chất giọng ngọt ngào lời quê xứ Nẫu không chỉ thể hiện qua lời nhân vật, mà còn qua lời văn tác giả: “Chao ôi với cái thuở con nít đầu trần chân đất ngày ấy tầm hai mươi tháng Chạp trở đi lại nhộn nhạo bấm đốt ngón tay mong Tết từng ngày (…) Má sẽ thức trọn đêm giao thừa để đặt lên bàn thờ mâm hoa quả, cầu nguyện cho con mọi điều tốt lành rồi ngồi nhắc đi nhắc lại những điều kiêng cữ đầu năm với con bằng giọng quê chân chất” (Xuân từ bàn tay má).

Ở mảng đề tài mái trường và tình yêu tuổi học trò, Cao Vỹ Nhánh có nhiều bài viết cảm động về tình thầy trò, tình bạn: Lời thầy cô ấm mãi tim em, Hoa học trò, Khoảng trời tháng năm, Mùa thu trước cổng trường… Anh thường viết về những kỷ niệm của tuổi học trò năm cuối trung học. Đó là khoảng thời gian chia tay tuổi ô môi để bước sang tuổi trưởng thành. Những cảm xúc trong sáng của tuổi học trò vẫn còn lưu lại trong veo giữa dòng ký ức: “Phượng đã thắp lửa. Một cảm xúc mơ hồ quen lạ ùa về làm chênh chao tâm hồn cô cậu học trò suốt 12 mùa hè có quá nhiều kỷ niệm. Mùa thi đang ngập ngừng trước cửa, màu mực chưa phai mà giây phút chia tay đã đến. Buồn không, hở hạ ? (…) Tháng năm, mùa hoa đỏ cháy khát khao và những cơn mưa giao mùa vẫn về đúng hẹn. Những áng mây 18 tuổi vẫn tha thẩn trên bầu trời xanh thẳm. Dàn đồng ca nhà ve vẫn không quên nhiệm vụ đánh động mùa hè. Cứ thế mùa hạ gieo vào lòng người những nỗi niềm khó nói hết bằng lời” (Mỗi mùa hoa đỏ về). Cao Vỹ Nhánh thường viết về tình yêu tuổi học trò, với cảm giác xốn xang khó tả khi chớm yêu và cháy lòng khi giã biệt (Cơn cớ xốn xang, Cháy lòng tháng Năm…). Ngoài ra, anh cũng có những tản văn viết về tình yêu tuổi trưởng thành nhưng cảm xúc vẫn trong sáng nên thơ như tuổi mới lớn: Chỉ còn là kỷ niệm, Tên một cơn mưa… Có khi, nhân vật “tôi” đã bước vào cuộc đời sóng gió. Nó muốn tìm lại những giây phút yên bình của tuổi học trò, nhưng ngập ngừng khi đứng trước cổng trường kỷ niệm: “Những sáng lất phất mưa, anh đạp xe lòng vòng qua mấy con đường quen. Ngồi bệt ở vỉa hè kêu một ly cà phê đá. Nhìn qua bên kia đường là cổng trường cũ. Bao hoài niệm ùa về không hẹn trước (…) Mái tóc em từ tem tém đuôi gà cứ dài theo thời gian rồi ngút ngàn xanh vào tuổi dậy thì. Mái tóc như một đời sống thứ hai của tâm hồn với một ngôn ngữ riêng (…) Sau mái tóc như một niềm kiêu hãnh, em còn hớp hồn anh bằng ánh mắt. Đôi mắt hun hút sâu với những dấu hỏi quá nhiều mộng mị, chở bốn mùa luyến nhớ đi qua” (Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi).

Tập Có hẹn với thanh xuân cũng có nhiều bài viết về những chuyến đi. Đề tài văn hóa và du lịch cũng được nói đến khá nhiều trong các tập tản văn, bút ký. Tuy nhiên, nó không bao giờ cũ qua góc nhìn của mỗi nhà văn. Cao Vỹ Nhánh cũng ghi lại góc nhìn riêng của mình mỗi lần có dịp đi du lịch hoặc sinh sống, làm ăn ở nơi khác. Đến Huế, anh cứ vương vấn hình ảnh Diễm của những ngày xưa: “Người con gái rất Huế ấy cứ neo đậu trong tâm trí của những người yêu Trịnh mấy mươi năm qua”. Đến Đà Nẵng, anh quan tâm đến cái ổ khóa tình yêu trên bờ sông Hàn “vào một ngày trời Đà Nẵng “đỏng đảnh” chợt nắng chợt mưa” (Nơi ước mong tình yêu vĩnh cửu). Cao Vỹ Nhánh có thời gian sống ở Sài Gòn. Ở đây, anh quan tâm nhiều đến hàng me và những cơn mưa. Những hàng me là sản phẩm của Sài Gòn. Nhưng hình như những cơn mưa là anh mang từ quê vào: “Anh đem mưa quê vào những giấc mơ. Có những đêm, nơi thành phố ồn ào bậc nhất này, trời cũng lâm thâm mưa… rất quê nhà  (…) Anh ngẩn ngơ nhìn đám lá me bay lại chạnh lòng. Những kỷ niệm vui buồn xếp hàng không hẹn trước (Tên một cơn mưa), “Lâu hơn mọi bữa Sài Gòn chiều nay mưa nhiều. Hàng me hôm nào ta qua đứng co ro, lạnh lẽo trong mưa (…) Lại một đôi nam nữ nữa đèo nhau trên chiếc xe cổ tích với chiếc ô ngược gió ngang qua ta, ta chợt thấy bão giông trong lòng… Ước gì em bây giờ là em của ngày xưa” (Mưa tháng sáu). Với Cà Mau, Cao Vỹ Nhánh không “đến” mà “về” (Về Cà Mau nghe em). Anh gặp lại những hình ảnh của quê nhà thời thơ bé. Gặp những con người đất Mũi thân thương để nhói lòng khi phải chia tay: “Ở đất Mũi có những căn nhà không bao giờ khép cửa, quanh năm ôm nắng gió vào lòng. (…) Con người Cà Mau sao mà dễ thương chi lạ, hiền từ đôi mắt hiền đi, dung dị từ nụ cười dung dị lại, lòng cởi mở như trăm nghìn ngọn gió, thật thà bày cả ruột gan (…) Mai xa Cà Mau nghe nhoi nhói một lời hò hẹn”… Cao Vỹ Nhánh cũng có nhiều lần lên Cao Nguyên. Với Đà Lạt, anh có duyên nợ với hoa dã quỳ (Cơn cớ dã quỳ). Trong một lần Có hẹn với Đà Lạt, anh so sánh cơn mưa Đà Lạt với mưa các xứ khác: “Mưa hiện diện mọi nơi nhưng lạ lùng thay, chỉ ở Đà Lạt, mưa mới khiến người ta chạm đến nỗi buồn trong trẻo rất riêng. Cũng như khói sương bảng lảng, thông reo bốn mùa, mưa như một thứ gia vị làm đậm đà hơn chất mộng mơ cho xứ sở sương mù. Không rào rạt như mưa xứ biển, không dồn dập như mưa phương Nam, mưa Đà Lạt cứ nhẹ nhàng, miên man tựa một lời tỉ tê về thành phố trên cao nguyên thơ mộng. Có lẽ mỗi người đến đây đều có cách tận hưởng riêng về mưa Đà Lạt”. Tập sách còn có nhiều bài viết về phong tục văn hóa Tây Nguyên như: Sử thi – báu vật của buôn làng, Ma mị âm điệu cồng chiêng Cà Lúi… Chúng cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.

Yếu tố trữ tình trong Có hẹn với thanh xuân còn thể hiện qua những câu văn giàu nhạc điệu như thơ. Ta có thể gọi đây là thơ văn xuôi: “Trong mưa, em mỏng manh như cỏ. Và anh ước mình là bờ vai yên uỷ của em (…) Em đã ra đi về một miền xa xôi, mờ ảo, để lại trong anh một nỗi nhớ không tên” (Mưa tháng sáu), “Tháng giêng nuôi ta bằng gì mà lòng ngất ngây say? Hay môi em ủ men nồng từ thơ tình Xuân Diệu? Đón giêng hai, hàng cây ảm đạm từng thao thức qua một mùa đông dài cũng vụng về khoe từng lộc nõn. Phố trầm tư qua mấy mùa bão nổi chợt cựa mình rạo rực trái tim yêu” (Đón giêng hai)… Nhiều tản văn có cấu trúc như bản nhạc. Như hình thức điệp nhạc điệu, cấu trúc đoạn trong bài Nỗi nhớ mùa đông (mở đầu mỗi đoạn bằng từ “Mùa đông !”) và Về Cà Mau nghe em (mở đầu mỗi đoạn bằng câu đặc biệt: “Về Cà Mau.”). Tản văn Khoảng trời tháng năm có 10 đoạn, mỗi đoạn mở đầu bằng “Tháng 5” và có cấu trúc gần giống nhau. Ví dụ vài đoạn điệp cú pháp: “Tháng 5 đến sau những cơn mưa ẩm ương đầu hạ…”, “Tháng 5 kiêu kỳ, ngang bướng, khó chiều như tuổi học trò đang lớn…”, “Tháng 5 nhuộm đỏ một góc trời phượng vĩ…”, “Tháng 5 nhớ đường về chung lối…”…

Cao Vỹ Nhánh vẫn luôn giữ được cảm xúc trữ tình tươi trẻ khi Có hẹn với thanh xuân. Cái nhìn thắm thiết tình nồng ấy thể hiện qua tất cả các đề tài: quê hương và mái trường, người mẹ và người yêu, phong vị cảnh sắc các vùng… Nó được thể hiện qua những từ ngữ mộc mạc, qua giọng văn giàu cảm xúc, nhạc điệu. Những câu văn ngắn nảy lên những thanh âm trong trẻo giữa cuộc sống xô bồ, làm nảy nở trong ta cảm xúc yêu đời, yêu người.

Sài Gòn, mùa mưa thứ 17, năm 2023
Nhà văn, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền

 


Phamngochien.com - 10:49 - 28/11/2023 - Bài của Phạm Ngọc Hiền          

Gửi bình luận